Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Abraham Lincoln làm CEO?
Abraham Lincoln (1809 – 1865) là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, người có công lớn trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức – cuộc Nội chiến Mỹ – duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.
Ngoài các thành tựu về mặt chính trị, vị Tổng thống tài ba này cũng để lại nhiều bài học quản trị quý giá dành cho giới doanh nhân. Bài viết sau đây của ông Trịnh Minh Thảo về bài học quản trị từ Abraham Lincoln, được trích từ cuốn sách “Mô hình bán hàng tổng lực” do chính ông là tác giả.
Nếu Abraham Lincoln làm quản lý bán hàng?
Lincoln hẳn vẫn sẽ ủng hộ những siêu sao bán hàng của mình cho dù đôi lúc họ ít nhiều có biểu hiện về mặt tuân thủ.
Chúng ta biết ở thời kỳ nội chiến tàn khốc của lịch sử lập quốc Mỹ, một trong những viên tướng thành công nhất của Lincoln chính là Ulysses S. Grant (1822-1885, người sau này chính là Tổng Thống thứ 18 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ). Lúc đó danh tiếng của Grant ngày càng lừng lẫy khi quân đội của ông hết trận này đến trận khác liên tiếp đánh bại quân hợp bang miền Nam dưới sự chỉ hủy của tướng Robert E. Lee.
Chính sự nổi tiếng của Grant lại là mối đe dọa với nhiều người khác. Một ngày nọ, một nghị sĩ đã đến Nhà Trắng gặp vị Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln và đề nghị ông sa thải Grant ngay lập tức vì viên tướng này bị cho là uống rượu quá nhiều.
Lincoln sẽ làm theo và ra quyết định sa thải?
Không! Thay vì vậy Lincoln bảo rằng sẽ hữu ích hơn nếu mọi người cho biết loại whisky nào Grant hay uống vì ông muốn mua một ít tặng cho các viên tướng khác của mình!
Trong quản lý bán hàng, rất thường xuyên bạn sẽ gặp những siêu sao như thế. Họ là những người bán hàng cực giỏi, rất xuất sắc trong công việc nhưng lại hơi có vấn đề trong tính cách – có thể hơi thiếu kỷ luật một tý, bất cần đời một tý và thi thoảng cũng cứng đầu một tý… Nhưng điều quan trọng là họ làm rất tốt, luôn hoàn thành chỉ tiêu được giao. Có nên xử sự tương tự như Lincoln đã làm hay không – đó là điều bạn cần phải hết sức cân nhắc.
Nếu Abraham Lincoln là Tổng Giám Đốc?
Abraham Lincoln chính thức nhậm chức tổng thống vào ngày 04/03/1861, sau đó chỉ một tháng cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bùng nổ khi quân lính hợp bang miền Nam nã đạn vào pháo đài Sumter của lực lượng liên bang miền Bắc tại Vịnh Charleston bang South Carolina. Chiến cuộc leo thang, nước Mỹ chia đôi. 11 tiểu bang miền Nam ly khai với 9 triệu dân và thêm 4 triệu dân nô lệ da đen bầu ra Jefferson Davis làm Tổng thống. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ còn lại 21 tiểu bang miền Bắc với 20 triệu dân.
Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn kéo dài 4 năm với hàng trăm trận đánh ác liệt đã cướp đi sinh mệnh của 620.000 binh sĩ hai phía và gây thương tích hàng triệu người khác. Cuối cùng, miền Bắc thắng trận, thống nhất đất nước, giải phóng nô lệ nhưng lại chịu mất mát to lớn nữa là hy sinh vị anh hùng dân tộc – đó chính là Tổng thống Abraham Lincoln, một vĩ nhân của thời đại. Hân hoan với niềm vui chiến thắng chưa được tuần lễ thì ông bất ngờ bị ám sát tại một rạp hát vào ngày 15 tháng 4 năm 1865.
Trong suốt cuộc chiến với những giao tranh ác liệt, trải qua những cung bậc cảm xúc thăng trầm cùng diễn biến ngoài mặt trận – việc tìm một vị tướng đủ khả năng thống lĩnh quân đội luôn là nỗi trăn trở khôn nguôi của Tổng thống Lincoln. Do thiếu kinh nghiệm trận mạc nên quân liên bang miền Bắc đã bại trận thê thảm trong trận chiến Manassas đầu tiên. Để chỉnh đốn đội ngũ và thiết lập kỷ luật quân đội, Tổng thống Lincoln bổ nhiệm viên tướng George B. McClellan làm Tổng tư lệnh. Nổi tiếng là người quan tâm chăm sóc phúc lợi và đời sống binh sĩ – McClellan được cấp dưới yêu mến, kỷ luật quân đội và tinh thần chiến đấu nhờ đó cũng được lập lại.
Tuy nhiên, McClellan lại thiếu quyết đoán và không được nhanh nhạy. Thời điểm một năm sau, trải qua chuỗi những trận đánh ác liệt, các cánh quân miền Bắc đang ở thế thượng phong, McCllellan vừa chiếm được Yorktown nhưng ông ta lại chần chừ trong việc tiến đánh thủ phủ Richmond của hợp bang miền Nam mặc dù Lincoln đã nhiều lần thúc giục. Tổng thống Lincoln sau đó buộc lòng phải thay thế vị trí tư lệnh bằng tướng Ambrose E. Burnside.
Rất tiếc Burnside cũng lại tỏ ra là một vị tổng chỉ huy thiếu hiệu quả. Sau khi ban bố sắc lệnh giải phóng nô lệ lịch sử, Tổng thống Lincoln muốn giành chiến thắng nhanh chóng hơn để mở rộng hiệu lực của sắc lệnh tại các tiểu bang ly khai thuộc miền Nam trước đó – ông đi đến quyết định giao phó quân đội cho Thiếu tướng Joe Hooker chỉ huy. Tuy nhiên Hooker lại một lần nữa khiến Lincoln thất vọng khi thất thủ trong trận đánh quan trọng ở Chancellorsville trước quân miền Nam chỉ bằng nửa quân số do viên tướng tài năng Robert E. Lee cầm đầu.
Không an tâm với vị tướng Tổng tư lệnh, Lincoln lại một lần nữa thay thế Hooker bằng tướng George Gordon Meade. Dưới sự chỉ huy của Meade, quân liên bang miền Bắc đã có được thắng lợi quan trọng trong trận Gettysburg (Pennsylvania). May mắn rồi cũng đến với liên bang miền Bắc khi người anh hùng của cuộc chiến xuất hiện: Ulysses S. Grant – viên tướng tư lệnh đã tỏ ra cực kỳ xuất chúng, đại quân của Grant liên tiếp đánh bại quân miền Nam nhiều trận vang dội và đóng vai trò quan trọng giúp phe liên quân chiếm Mississippi, chặn con đường vận chuyển khí tài, đẩy quân miền Nam vào tình thế bị bao vây gọng kìm.
Lincoln cuối cùng đã tìm được vị tướng tài năng và thao lược, một chỉ huy quân đội đủ tố chất để có thể giúp kết thúc nhanh cuộc chiến. Ông bổ nhiệm tướng Grant làm Tổng tư lệnh vào tháng 03/1864. Chỉ một năm sau, quân miền Bắc đã chiếm được thủ đô Richmond của miền Nam trong trận đánh cuối cùng. Cuộc chiến tan thương chính thức kết thúc bằng thắng lợi của quân liên bang miền Bắc khi tướng Lee đầu hàng tướng Grant ngày 9/4/1865.
Chọn giao phó binh sĩ cho vị tướng nào có khả năng giành chiến thắng trên chiến trường là một trong những quyết định quan trọng sống còn. Bởi thế nếu Abraham Lincoln làm Tổng giám đốc, có lẽ ông sẽ điều chuyển hết chuyên viên khách hàng ở những chi nhánh không thể bán hàng sang giao cho những giám đốc chi nhánh khác có khả năng làm tốt hơn – chấp nhận một số ‘tướng không quân’!
Điều này nghe có vẻ quá hiển nhiên và rất đáng cân nhắc áp dụng. Vì thực tế hiện nay, các ngân hàng thường phân bố lực lượng bán hàng theo chính sách chia đều định biên, cứ phòng giao dịch thì 3-4 và chi nhánh thì 8-10 chuyên viên, nhưng rất tiếc chẳng phải giám đốc nào cũng triển khai bán hàng hiệu quả – chưa kể là một phần trong số đó thiếu hẳn một yếu tố quan trọng – đó là: quyết tâm thành công.