Bà Nguyễn Thị Cúc: Cưỡng chế hóa đơn hợp lý nhưng phải hợp tình
Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường cưỡng chế nộp thuế, trong đó sử dụng biện pháp mạnh nhất là cưỡng chế hóa đơn. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, đây là biện pháp phù hợp và cần thiết khi các doanh nghiệp chây ỳ và nợ đọng thuế kéo dài.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tri Thức Trẻ, bà Cúc cho rằng việc thực hiện cần được dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng của doanh nghiệp. Trường hợp những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, trả được nợ thuế thì cần có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn thu để nộp thuế.
Thưa bà, sắp tới đây Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh sử dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn đối với những đơn vị chây ỳ, chậm nộp thuế. Bà đánh giá thế nào về hình thức này?
Theo cơ chế kê khai nộp thuế hiện nay, khuyến khích các doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, cơ quan thuế thực hiện chức năng thanh tra kiểm tra. Biện pháp cuối cùng là cưỡng chế thuế.
Biện pháp này thực hiện trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ, không chịu nộp thuế, hoặc có nguồn lực mà không chịu nộp, để tiền thuế nợ đọng quá lâu mà cơ quan thuế không thể nào áp dụng biện pháp doanh nghiệp tự khai tự nộp thì phải cưỡng chế.
Cưỡng chế được thực hiện theo quy định và áp dụng từng trường hợp khác nhau. Trước hết, nếu doanh nghiệp có tiền trong tài khoản mà không kê khai, tự nộp thì cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng thương mại trích từ tài khoản ngân hàng nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp tài khoản không có tiền mà doanh nghiệp có hàng hóa, tài sản, thì lúc đó dùng biện pháp kê biên tài sản, đấu giá. Kể cả tài sản do người khác nắm giữ thì cũng dùng hình thức này. Ví dụ doanh nghiệp không có tiền nhưng cho đơn vị thứ ba nợ, vay ngân hàng thì dùng biện pháp thu tài sản từ bên thứ ba đang nắm giữ để cưỡng chế thuế.
Biện pháp cuối cùng là thu hồi hóa đơn, đây biện pháp rất nặng rồi. Vì khi thu hồi hóa đơn thì doanh nghiệp không thể bán hàng được, doanh nghiệp không được kinh doanh.
Theo bà đây là biện pháp nặng nhất, vậy nếu áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế thì có phù hợp hay không?
Tôi cho rằng không phải đơn vị nào cũng bị áp dụng biện pháp thu hồi hóa đơn hay thu hồi giấy phép kinh doanh, mà tùy theo mức độ vi phạm, ứng xử của doanh nghiệp.
Ví dụ, doanh nghiệp thực tế có tiền có nguồn hàng, có khả năng thanh toán được nhưng không nộp thuế hoặc cố tính chây ỳ, thì lúc đó buộc cưỡng chế. Nhưng có những trường hợp doanh nghiệp khó khăn, đơn cử như doanh nghiệp phải ứng tiền trước để thực hiện dự án, ngân sách chưa giải ngân và cấp ra, doanh nghiệp chưa có tiền nộp thuế, thì có thể xem xét kéo dài thời gian nợ thuế tương ứng.
Rõ ràng là cần phân loại đối tượng nợ, đối tượng doanh nghiệp để cưỡng chế thuế chứ không phải là tất cả các doanh nghiệp đều bị áp biện pháp cưỡng chế thuế như nhau. Có doanh nghiệp khó khăn, vẫn cố gắng nộp thì nên xóa tiền phạt để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Như vậy, biện pháp cưỡng chế thuế là cần thiết trong quy trình tự khai tự nộp, nhưng không phải tất cả đều cưỡng chế, cần phải xem xét trên cơ sở khả năng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu như doanh nghiệp có khó khăn và có thể phục hồi được, xử lý được nợ thì khoanh nợ, gãn nợ, trường hợp không khoanh nợ, giãn nợ được thì cho phép chậm nộp thuế. Nhưng khi phục hồi được thì phải nộp tiền phạt theo quy định.
Mục đích cưỡng chế thuế là thu ngân sách nhà nước, song cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nếu doanh nghiệp đang khó khăn mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất được, thì không hợp lý. Còn nếu doanh nghiệp khó khăn nhưng tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển được thì dần dần khi doanh nghiệp phục hồi, sẽ có nguồn trả nợ và nộp thuế.
Vậy theo bà cơ quan thuế sẽ phải làm những gì để đảm bảo thu thuế nhưng vẫn phải hỗ trợ đúng đối tượng?
Với doanh nghiệp cố tình chây ỳ thì cưỡng chế, nhưng với những doanh nghiệp không thể nào thực hiện được việc nộp thuế thì phải thực hiện theo luật phá sản. Còn nếu không nộp thuế, chây ỳ, gian lận thì cơ quan thuế phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để đảm bảo việc thực hiện chấp hành theo pháp luật. Đây là việc làm cần thiết nhưng cần xem xét từng trường hợp cụ thể cho phù hợp, đảm bảo tính hợp lý.
Tôi cho rằng, biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn thì là biện pháp cưỡng chế tương đối mạnh rồi, nên cơ quan thuế cần nắm được thực lực và thực trạng nợ của doanh nghiệp đó. Cụ thể là cần xem xét kỹ nguyên nhân nợ là do đâu, doanh nghiệp có thực sự khó khăn không? Nếu doanh nghiệp vượt qua được khó khăn thì có thể giãn nợ, còn nếu nợ do chây ỳ, gian lận, buôn lậu thì dùng biện pháp cưỡng chế.