7 thói quen giúp làm việc năng suất của doanh nhân trẻ
7 thói quen này giúp năng suất làm việc của các CEO cao hơn đáng kể so với những người khác. Hãy xem họ có những thói quen nào mà bạn nên học hỏi nhé.
Lập thời gian biểu
Rameet Chawla – Nhà sáng lập công ty Phát triển và Thiết kế Fueled chia sẻ:“Tuân thủ chặt chẽ thời gian biểu giúp tôi hoàn thành được nhiều việc. Tôi tin tưởng rằng, việc tôi ưu tiên thực hiện những thứ có trong thời gian biểu góp phần đáng kể cho sự phát triển của Fueled”.
Anh cho biết thêm: “Sau bữa tối lúc 11h đêm là một phiên làm việc kéo dài đến tận 3h30. Một nguyên tắc tối quan trọng trong quá trình làm việc của tôi là dành nguyên một khoảng thời gian cho những công việc sáng tạo không được phép bị gián đoạn. Đó là khi tôi trả lời email cũng như lúc suy nghĩ về những ý tưởng lớn. Sau đó, đúng 4h sáng, tôi đi ngủ và luôn thức dậy đúng giờ mà không hề cần đến đồng hồ báo thức”.
Có lẽ nhiều người muốn tập trung vào những thứ khác, như gia đình chẳng hạn. Nhưng dù sao thì tuân thủ một thời gian biểu nghiêm ngặt vẫn là chìa khóa của sự thành công.
Tự đặt ra các câu trước khi đi ngủ
Jesse Lear, nhà đồng sáng lập dịch vụ V.I.P. Waste Services, chia sẻ về thói quen của mình: “Mỗi tối trước khi ngủ, tôi thường tự hỏi mình: Nếu như ngày nào cũng làm như hôm nay, thì tương lai của mình sẽ như thế nào? Câu hỏi này khiến tôi không quên đánh giá xem hành động của mình có đúng với những tiêu chí đã đề ra hay không. Tương lai được quyết định bởi chính những thứ mà bạn làm ngày hôm nay chứ không phải điều gì xa xôi”.
Đi bộ mỗi dịp cuối tuần để kết nối ý tưởng
Ryan Kania, nhà sáng lập tập đoàn phi lợi nhuận Advocates for World Health, chia sẻ bí quyết thành công của mình: “Mỗi dịp cuối tuần tôi thường làm một chuyến đi bộ đường dài ở một địa điểm mà tôi chưa từng đặt chân đến. Dĩ nhiên là phải nghiên cứu kỹ càng về điểm đến ấy. Có những khi tôi phải lái xe hàng tiếng đồng hồ mới tới nơi. Cuộc đi bộ có thể kéo dài từ 1- 4 tiếng. Tôi cứ đi, đi mãi với cuốn sổ ghi chép bên người để có thể kịp ghi lại những ý tưởng hay ho. Mọi thứ đến tự nhiên, chứ tôi không ép mình phải nghĩ ra cái này hay cái kia”.
Anh còn cho biết, “Thói quen này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng sau cả tuần làm việc mà còn cho tôi những ý tưởng mới. Việc liên tục đánh giá các ý tưởng, mức độ khả thi của chúng đối với công việc kinh doanh sẽ giúp bạn từ từ biến nó thành hiện thực”.
Ngoài ra, đi bộ cũng rất tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngồi liên tục một tiếng đồng hồ còn nguy hiểm hơn việc hút hai điếu thuốc lá.
Liên tục thay đổi chế độ nước trong khi tắm
Phil Dumontet, nhà sáng lập dịch vụ giao hàng Dashed chia sẻ: “Thói quen khác người nhất của tôi là liên tục thay đổi chế độ nước khi tắm từ nóng sang lạnh và ngược lại. Dù sống ở bất cứ đâu hay ở trong khách sạn, tôi vẫn tắm như thế vào mỗi buổi sáng trong suốt 14 năm qua. Sau 30 giây tắm nước đá lạnh, là 30 giây với nước nóng. Nhờ thói quen này mà tôi lấy lại được năng lượng và sự tỉnh táo để bắt đầu một ngày mới”.
Phil khuyên bạn nếu muốn tập cho mình thói quen này, thì hãy bắt đầu bằng việc đứng tắm dưới vòi sen như thường lệ, sau đó chuyển sang nước ấm khoảng 30 giây rồi quay lại với nước lạnh. Nếu bạn chưa quen thì có thể bắt đầu từ 2 chân trước.
Suy nghĩ ở nhiều góc độ để tìm câu trả lời cho những câu hỏi mở
Danielle Fong, nhà đồng sáng lập công ty năng lượng LightSail Energy chia sẻ: “Phần lớn những công nghệ ta phát minh hay các chiến lược ta theo đuổi đều là sản phẩm của quá trình nghiên cứu để trả lời một câu hỏi mở. Có những câu hỏi mà tôi phải dành cả tháng, thậm chí cả năm để tìm ra câu trả lời. Vậy câu hỏi mở là gì? Đó là những câu hỏi kiểu như: “Làm thế nào để tìm được người đồng sáng lập và thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình khi ai cũng có mối quan tâm riêng, dự án riêng cần triển khai?” (Câu trả lời là: Hãy hợp tác để thực hiện các dự án của họ để cho đối phương thấy được giá trị của bạn, sau đó, thu hút họ bằng những câu hỏi thú vị và cuối cùng là lời đề nghị về việc hợp tác cho ý tưởng kinh doanh của chính bạn).
Fong còn nói: “Thông thường thì tôi không mấy hài lòng với những câu trả lời đến trong chớp nhoáng. Nhưng thay vì từ bỏ hay quên phắt nó đi, tôi lại lôi nó ra mỗi ngày, nhìn vào vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Và cứ như thế, cuối cùng tôi cũng tìm ra câu trả lời và giải pháp mang tính khả thi cao”.
Đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng tuần và hàng tháng – bỏ qua những thứ khác
Patrick Ambron, nhà đồng sáng lập công ty BrandYourself, chia sẻ về thói quen của mình: “Có vô số thứ bạn có thể làm để cải thiện công việc kinh doanh. Vấn đề là, nếu bạn cố gắng làm quá nhiều thứ một lúc thì tình hình sẽ chẳng thể tiến triển. Bạn cần phải tập trung cao độ để theo đuổi mục tiêu của mình. Chí ít, mỗi ngày tôi cũng tự hỏi: Liệu thứ mà mình đang làm có giúp ích gì cho một trong ba mục tiêu đã đặt ra hay không?’ Bởi xung quanh có rất nhiều thứ dễ khiến ta bị xao nhãng, cho nên hãy học cách kiểm soát bản thân để không vướng bận vào những điều không mấy quan trọng ấy. Chỉ có thế bạn mới có thể nhanh chóng hoành thành mục tiêu của mình”.
“Để làm được điều này chúng tôi thường tổ chức họp vào thứ 6 hàng tuần để đặt ra mục tiêu cho tuần mới và nhìn lại những gì đã làm được trong tuần vừa qua”, Ambron nói.
Vạch ra danh sách những việc cần làm khi đến văn phòng
Jonathon Nostrant, nhà sáng lập Ivee, chia sẻ: “Thói quen của tôi là luôn vạch ra danh sách những việc cần làm ngay khi vừa đến văn phòng vào buổi sáng hoặc từ cuối ngày hôm trước, và lưu nó trong phần Ghi chú trên máy tính, iPhone và iPad. Thậm chí tôi còn dùng cả tác vụ Gmail để nhắc nhở mình về những việc cần làm trong danh sách. Để làm được điều này, tôi buộc phải suy nghĩ về kế hoạch từng ngày, hàng tuần, hàng tháng và cả những kế hoạch dài hạn trước khi bắt tay thực hiện. Nhờ đó mà cải thiện được kỹ năng tổ chức và sắp xếp”.