CEO Hòa Phát: Cách duy nhất muốn kiếm nhiều tiền hơn là bỏ tiền ra để đầu tư

Hiện tại các nhà máy thép của Hòa Phát đều đã chạy vượt quá công suất. Do đó, yêu cầu đầu tư vào Thép Dung Quất là rất cần thiết và cần phải làm nhanh, làm mạnh và làm sớm.

Đại hội cổ đông Hòa Phát năm nay tổ chức sớm hơn mọi năm. Đến 9h, hội trường 200 chỗ ngồi đã kín đặc. Các cổ đông từ quỹ lớn đến nhà đầu tư nhỏ lẻ đều quan tâm đến kế hoạch tăng vốn khủng của Hòa Phát và đầu ra của dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất, dự án thép nội địa lớn nhất cả nước nếu tính ở thời điểm hiện tại.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn xoay quanh các nội dung này.

Tăng kế hoạch lợi nhuận không phải vì áp lực cổ đông

Trước khi Đại hội diễn ra, nhà đầu tư không khỏi bất ngờ khi chỉ sau vài ngày, Hòa Phát đã đưa ra quyết định tăng mạnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế của mình từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Điều này có phải do áp lực từ thị trường không thưa ông?

Ông Trần Tuấn Dương: Việc lên kế hoạch phụ thuộc nhiều biến số đầu ra, đầu vào. Hòa Phát điều chỉnh tăng lợi nhuận thêm 1.000 tỷ đồng không phải vì sức ép cổ đông mà bởi giá bán ra đang trong chu kỳ tăng do nguyên liệu thế giới lên. Mua cao bán cao hơn, biên lợi nhuận được duy trì như năm trước. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang rất tốt. Giá bán ra chỉ cần tăng 1% thì sẽ ra rất nhiều tiền. Giá quặng, than biến thiên, giá thép có thể dao động 8 – 15 triệu/ tấn nếu 8 triệu thì lỗ mà 15 triệu thì thậm chí có thể lãi 10.000 tỷ.

Đối với các yếu tố đầu vào, Hòa Phát sử dụng các biện pháp hedging (nghiệp vụ bảo đảm) để kiểm soát chi phí. Có thời điểm nhờ hợp đồng mua tương lai, Hòa Phát tiết kiệm được vài trăm tỷ khi mua được quặng sắt với giá rẻ hơn mức giá giao ngay trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích chính. Điều quan trọng khi Hedging là công ty cố định được một phần chi phí đầu vào trong kỳ tương lai.

Trong quý I, giá than tăng cao nhất vào thời điểm tháng 1 và tháng 2. Hiện tại giá than và giá quặng sắt đã bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên lợi nhuận quý 1 năm nay sẽ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng.

Tương lai của Hòa Phát sẽ ra sao sau khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động thưa ông?

Việt Nam đang là cường quốc về thép ở Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2020 sau khi dự án Thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, Hòa Phát sẽ mang một tầm vóc mới với doanh thu cán mốc 100.000 tỷ đồng.

Thưa ông, tại sao Hòa Phát quyết định mua lại dự án thép tại Dung Quất và đẩy nhanh tiến độ đầu tư hai giai đoạn cùng lúc thay vì phương án cách nhau 18 tháng như ban đầu?

Hiện tại các nhà máy thép của Hòa Phát đều đã chạy vượt quá công suất, có dây chuyền công suất thiết kế ban đầu 250.000 tấn hiện đã nâng lên 360.000 tấn, tức là đã chạy quá công suất hơn hai chục phần trăm. Năm ngoái sản lượng của Hòa Phát đạt 1,8 triệu tấn thì năm nay hết công suất chỉ đạt 2 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân 12-15%/năm.

Năm nay Hòa Phát phải giảm sản lượng xuất khẩu để tập trung vào thị trường trong nước cho dù các đơn hàng rất nhiều. Phải ưu tiên thị trường nội địa để giữ thị phần cho dù thiếu hàng để bán. Hàng tồn kho tại các đại lý đều đang xuống mức thấp.

Do đó, yêu cầu đầu tư vào Thép Dung Quất là rất cần thiết và cần phải làm nhanh, làm mạnh và làm sớm. “Cách duy nhất muốn kiếm nhiều tiền hơn thì cần bỏ tiền ra để đầu tư”. Hòa Phát làm tốt nhất trong các doanh nghiệp về mặt công nghệ và tiềm lực tài chính mạnh nhất, không có lý do gì không làm.

Nhà đầu tư có lo ngại vấn đề thừa cung khi các nhà máy mới đi vào hoạt động không thưa ông?

Với sản lượng của nhà máy gang thép Hòa Phát Dung Quất, trong 2 triệu tấn thép xây dựng sẽ đưa sớm ra thị trường 600.000 tấn trước, 6 tháng sau mới đưa ra 1,4 triệu tấn. Nhu cầu thị trường mỗi năm tăng 1 triệu tấn. Khi ra đời ít nhất một nửa sản lượng của nhà máy cán đầu tiên sẽ dành để xuất khẩu, sau đó chắc tỷ lệ sẽ là 1/3. Tôi nghĩ rằng vị trí tại Dung Quất thuận lợi cho xuất khẩu bởi công nghệ của nhà máy cao hơn tại Hải Dương và vị trí cảng thuận lợi cho xuất khẩu.

Đối với giai đoạn 2 của dự án thép Dung Quất, như anh Long đã chia sẻ trước cổ đông, Hòa Phát làm luôn để tận dụng thời cơ. Hiện tại Việt Nam phải nhập khẩu 100% thép cán nóng. Tốc độ tiêu thụ thép cuộn cán nóng tăng trưởng 20-30%, năm 2016 phải nhập khẩu 5,6 triệu tấn. Thêm nữa, nhà máy tôn và ống thép Hòa Phát có thể tiêu thụ 50% lượng thép cán nóng của giai đoạn 2 nên có cơ sở để Hòa Phát đẩy nhanh tiến độ.

Có ý kiến cho rằng suất đầu tư của dự án thép Dung Quất cao hơn so với nhà máy tại Hải Dương, vì sao thưa ông?

Suất đầu tư tại Dung Quất sẽ cao hơn khoảng 25-30% so với nhà máy tại Hải Dương. Nguyên nhân là do tỷ giá, ngày xưa đầu tư tại Hải Dương tỷ giá chỉ quanh 16.500 đồng/USD, nay là 23.000 đồng/USD. Thứ hai là thiết bị cao cấp hơn hẳn. Tổng thầu của dự án này là Danieli của Ý và chúng tôi nhập các thiết bị từ các nước G7. Ngoài ra, cảng tại Hải Dương đầu tư khoảng 200 tỷ đồng trong khi cảng nước sâu tại Dung Quất sẽ tốn chi phí khoảng 4.000 tỷ. Bù lại, hàng hóa về sẽ giảm được đáng kể chi phí logistic, thuận lợi vận chuyển hàng cả vào miền Nam và miền Bắc.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt vấn đề môi trường là vấn đề số 1 quan trọng hơn rất nhiều hiệu quả kinh tế. Khoảng 30% chi phí dự án sẽ dành để đảm bảo vấn đề môi trường.

Nếu vậy, có lo ngại biên lợi nhuận của Hòa Phát khó duy trì được mức cao như hiện tại không thưa ông?

Nếu các bạn để ý các doanh nghiệp sản xuất thép trên thế giới, khó có doanh nghiệp nào có biên lợi nhuận cao như của Hòa Phát. Cách duy nhất để giữ lợi nhuận cao các năm tiếp theo cách duy nhất là mở rộng sản xuất. Mình phải làm rất tốt thì mới có biên lợi nhuận cao như thế. Hòa Phát tự phát điện, tận dụng các năng lượng dư thừa, cải tiến máy cán thép tăng gấp rưỡi công suất thiết kế, nhiên liệu ngày xưa đốt bằng dầu FO, nay đốt bằng khí than…rất nhiều yếu tố kết hợp để giữ biên lợi nhuận ở mức cao. Biên Lợi nhuận của thép Dung Quất sẽ tương đương như Hải Dương

Ông có lo ngại vấn đề phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ thất bại không khi ý kiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều lo ngại việc phải đóng thêm tiền?

Tôi cho rằng cổ đông có bỏ tiền hay không phụ thuộc vào việc dự án đó có hấp dẫn hay không. Có nhà đầu tư cho rằng “bị” đóng tiền nhưng nhà đầu tư khác lại cho rằng “được” đóng tiền. Đã có nhiều quỹ chia sẻ muốn mua cổ phiếu riêng của Dung Quất nhưng Hòa Phát muốn giữ 100% vốn. Nhìn thấy sự hấp dẫn, thì chẳng có gì mà không đầu tư.

Đối với việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu lần này một phần do ngân hàng yêu cầu Hòa Phát phải tăng vốn chủ sở hữu để có vốn đối ứng. Hiện vốn cho giai đoạn 1 Tập đoàn đã lo đủ, giai đoạn 2 đòi hỏi vốn tự có 10.000 tỷ và vốn vay ngân hàng 10.000 tỷ.



    Yêu cầu gửi lịch học