Enter your keyword

post

Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần

Theo điều 137 Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần có quyền cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

  1. Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát và giám đốc hoặc tổng giám đốc. Nếu công ty có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần thì không bắt buộc phải có ban kiểm soát.
  2. Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc hoặc tổng giám đốc. Nếu công ty cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình này thì ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có ủy ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ủy ban kiểm toán quy định tại điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của ủy ban kiểm toán do hội đồng quản trị ban hành.

Các thành viên trong cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần

Đại hội đồng cổ đông : Gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết (bao gồm cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết), là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cổ đông là tổ chức có quyền cử một hoặc một số người đại diện theo ủy quyền thực hiện các quyền cổ đông của mình theo quy định của pháp luật; trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo ủy quyền được cử thì phải xác định cụ thể số cổ phần và số phiếu bầu của mỗi người đại diện.

Hội đồng quản trị (HĐQT) : Là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty như quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

Hội đồng quản trị có không ít hơn ba thành viên, không quá mười một thành viên, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Thành viên HĐQT không nhất thiết phải là cổ đông của công ty.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty : Là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty do HĐQT bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác, chịu sự giám sát và trách nhiệm trước HĐQT, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Đối với cơ cấu tổ chức công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc có quyền kiến nghị phương án, quy chế quản lý nội bộ của công ty.

Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá năm năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Ban kiểm soát : Nếu công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.

Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác; nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá năm năm; thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Đối với cơ cấu tổ chức quản lý công ty, Ban kiểm soát có quyền kiến nghị HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần

Để hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, chúng ta hãy xem ví dụ sau:

Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần Kinh Đô

Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô được tổ chức và hoạt động tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp 2005. Các hoạt động của Công ty tuân theo Luật Doanh nghiệp, các Luật khác có liên quan và Điều lệ Công ty. Điều lệ Công ty bản sửa đổi đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 24/03/2007 là cơ sở chi phối cho mọi hoạt động của Công ty.

Hội đồng quản trị: 05 người ( Cơ cấu: 03 người đại diện cho phần vốn Nhà nước tại Công ty, 02 người đại diện cho thành viên độc lập không điều hành).

Ban Kiểm soát: 03 người ( Cơ cấu: Trưởng Ban kiểm soát là cán bộ của TCT , 01 thành viên là cán bộ công đoàn Công ty, 01 thành viên là chuyên viên phòng Tài vụ). Ban Kiểm soát họp định kỳ một quý một lần. Nội dung các cuộc họp thường kỳ là lấy ý kiến các thành viên của Ban để xem xét việc chấp hành nội quy trong công ty.

Ban điều hành: 04 người (Cơ cấu: 01 Tổng giám đốc, 02 Phó Tổng giám đốc, 01 Kế toán trưởng). Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của Công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Các phó Tổng Giám đốc có nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho Tổng Giám đốc, chuyên trách từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Các phòng ban nghiệp vụ:

  • Phòng vật tư
  • Phòng tài vụ
  • Phòng kỹ thuật và phát triển
  • Phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm
  • Phòng kế hoạch thị trường
  • Văn phòng

Mỗi phòng ban thực hiện những nhiệm vụ khác nhau để tránh được tình trạng ỷ lại vào nhau. Đồng thời giữa các phòng ban cũng có mối liên hệ thúc đẩy nhau cùng làm việc.

Các đơn vị sản xuất: Bao gồm các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng trực thuộc công ty. Đây là những đơn vị có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty theo lĩnh vực được giao. Đây là lực lượng chính trực tiếp thực thi nhiệm vụ của công ty đồng thời tạo ra khoản thu nhập chủ yếu cho công ty.

Nhận xét cơ cấu tổ chức công ty cổ phần Kinh Đô

Ta có thể thấy cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần Kinh Đô được tổ chức theo mô hình trực tuyến chức năng gồm 2 cấp: cấp công ty và cấp phân xưởng.

Cấp công ty gồm: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc cùng với các phòng ban nói chung.

Cấp phân xưởng gồm: Các xí nghiệp sản xuất và các xí nghiệp phụ trợ.

Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị về toàn bộ hoạt động của công ty, trực tiếp kiểm tra hoạt động của các phòng ban, các tổ đội và các đơn vị trực thuộc. Mỗi phòng ban chức năng của công ty có nhiệm vụ tách bạch, không chồng chéo lên nhau để tránh sự ỷ lại. Mặt khác, các phong ban chức năng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau thúc đẩy nhau cùng làm việc giúp cho ban giám đốc công ty hoàn toàn yên tâm tin tưởng vào bộ máy quản lý của mình. Việc tổ chức tốt bộ máy quản lý là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho công ty cổ phần Kinh Đô hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, hoạt động giữa các phòng ban là độc lập, không có sự liên kết với nhau nên khó thống nhất khi có lệnh của cấp trên đưa ra.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Nhắn Zalo
Gọi ngay