Làm thế nào để tìm được CEO ưng ý ?
Từ trước tới nay, câu chuyện thuê giám đốc điều hành (CEO) luôn là vấn đề nan giải không chỉ đối với các doanh nghiệp nhà nước mà cả với các công ty tư nhân tại Việt Nam. Đa phần những câu chuyện này thường kết thúc bằng đổ vỡ, làm hao tổn cả thời gian và cơ hội của cả 2 bên.
Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? Làm thế nào để thuê được CEO ưng ý?
Tìm một CEO ưng ý quả thực rất khó
Đầu tiên là phương pháp. Có rất nhiều kênh để tuyển dụng CEO. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều chủ doanh nghiệp lại thường chọn thuê CEO thông qua sự quen biết, giới thiệu từ người thân. Đây là một sai lầm rất lớn bởi chủ doanh nghiệp vì cả nể mà thường quên đánh giá CEO được chọn liệu có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp mình.
Một vấn đề khác mà chủ doanh nghiệp hay gặp phải với CEO là không đàm phán về nguyên tắc quản lý điều hành hoặc trong quá trình đàm phán chỉ tập trung vào các thỏa thuận về lương bổng, điều kiện làm việc, quyền lợi… mà không chú ý đến những yếu tố thuộc về văn hóa doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp nào cũng mong doanh nghiệp mình ngày càng phát triển và hoàn thiện. Nhưng lại luôn ở trong tâm thế nếu thuê CEO, liệu doanh nghiệp có còn phát triển theo ý muốn của mình hay không?
Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở bởi việc thành lập một công ty cũng giống như đẻ một đứa con tinh thần vậy. Để có thể giúp đứa bé hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần, cần có lão sư giỏi – những CEO chuyên nghiệp.
Vậy làm thế nào để thuê được CEO ưng ý?
Thuê được CEO đã khó, thuê được CEO giỏi lại càng khó hơn. Thế nhưng, nhiều chủ doanh nghiệp lại không có “tiếng nói chung” với các CEO.
08 gợi ý sau có thể giúp chủ doanh nghiệp tránh được vấn đề này :
- Trình độ của một CEO có thể được đo lường được qua kiến thức về chiến lược, nhân sự, quản trị, thiết lập các hệ thống trong phòng ban. Tuy nhiên, họ cũng cần phải có cả những kỹ năng mềm về đối nhân xử thế, điều binh khiển tướng.
- Chủ doanh nghiệp thường chọn CEO từ các tập đoàn đa quốc gia mà bỏ qua nguồn lựa chọn trong chính nội bộ công ty. Những CEO “người nhà” có lợi thế trong việc thấu hiểu những vấn đề nội bộ và văn hóa của công ty và cũng chính họ là lực lượng kế thừa tốt nhất mà các chủ doanh nghiệp nên nhắm đến cũng như tạo cơ hội cho họ phát triển.
- Việc thuê CEO bên ngoài không phải không có những ưu điểm, tuy nhiên cả hai bên cần có sự trao đổi thẳng thắn. Việc giao quyền, phân quyền cần phải rõ ràng.
- Để CEO phát huy hết khả năng và tránh “giẫm chân” với chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp cần xác định các mục tiêu và nguyên tắc quản lý điều hành trước khi bắt đầu công việc; thỏa thuận lộ trình và phương pháp “làm quen” giữa hai bên.
- Kế hoạch chuyển giao quyền lực (lộ trình, phương pháp, phạm vi và mức độ) cho CEO trước khi bắt đầu công việc cần được thông tin rõ ràng.
- Người CEO cần tôn trọng sự khác biệt về tính cách, phương pháp làm việc trên cơ sở tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc quản lý, điều hành đã được thỏa thuận.
- Chủ doanh nghiệp phải kiên nhẫn, cho CEO một quỹ thời gian và nguồn lực nhất định để họ thực hiện quá trình thay đổi vì mục tiêu phát triển.
- Điều cuối cùng và quan trọng nhất trước khi bắt đầu tìm và thuê CEO. Chủ doanh nghiệp nên thay đổi vị trí công việc của một số thành viên gia đình, thân hữu và những “công thần” không phù hợp. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hợp tác và làm việc của CEO.
Kết luận
Phần lớn những người được thuê làm CEO đều quen với phương pháp quản lý, điều hành doanh nghiệp bằng mục tiêu và hệ thống. Vì vậy, những người sáng lập công ty, chủ doanh nghiệp cần chọn những CEO có sự kết hợp giữa năng lực kinh doanh và năng lực quản lý chuyên nghiệp để hướng đến việc phát triển lâu dài bền vững.