Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiết lộ chuyện phá sản thời sinh viên

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên tiết lộ chuyện kinh doanh khi ông còn là sinh viên tại Nga. Trong cuộc phỏng vấn được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ mới đây. Tỷ phú cho biết, ông bắt đầu khởi nghiệp từ khi là sinh viên năm thứ 3 đại học.

Từ chàng trai buôn áo gió

Với đặc thù nước Nga có khí hậu lạnh, ông quyết định buôn áo gió và nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền. Thế nhưng, là một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, không phản ứng kịp với thị trường. Hệ quả, chàng sinh viên Phạm Nhật Vượng đánh mất sạch những gì mình kiếm được và phá sản.

Rời Moscow, ông cùng vợ gánh trên vai khoản nợ 40.000 USD tới Kharkov. Đồng thời vay bạn bè số vốn ít ỏi vài nghìn USD để tiếp tục kinh doanh.

Không có nhiều tiền trong tay, ông quyết định mở một nhà hàng. Nhờ đồ ăn ngon, giá cả vừa phải, nhà hàng nhanh chóng hút khách và nổi tiếng, giúp ông gây dựng lại những đồng vốn ban đầu.

Bén duyên với … mỳ ăn liền

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, đời sống người dân Kharkov gặp khó khăn. Chàng trai Phạm Nhật Vượng ngay lập tức nắm bắt cơ hội, chuyển sang sản xuất mì ăn liền với thương hiệu Mivina. Sản phẩm này nhanh chóng được người dân Kharkov đón nhận và lan rộng trên toàn Ukraine. Rồi sau đó được xuất khẩu đi hơn 20 nước trên thế giới như Đức, Ba Lan, Israel, Latvia, Estonia…

Sau thành công với mì ăn liền, ông tiếp tục sản xuất nhiều mặt hàng mới như: khoai tây nghiền, gia vị, bao bì sản phẩm… và thành lập công ty Technocom.

Technocom đã giải quyết công ăn việc làm cho 3.000 người lao động Kharkov, trở thành doanh nghiệp đóng thuế lớn của tỉnh và là nhà tài trợ thường xuyên cho các chương trình phúc lợi y tế, môi trường, văn hóa xã hội của thành phố.

Tới tỷ phú đô la

Đầu những năm 2000, khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Vượng đã quyết định bán Technocom cho Nestle và trở về Việt Nam lập nghiệp.

Ông lập ra công ty Vincom hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với điểm nhấn là tòa tháp Vincom trên đường bà Triệu, Hà Nội. Công ty Vincom sau này được sáp nhập với Vinpearl để trở thành Tập đoàn Vingroup, tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiết lộ chuyện phá sản thời sinh viên

Với bất động sản là xương sống, Vingroup liên tục mở rộng ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, như bán lẻ, du lịch, y tế, giáo dục.

Đáng chú ý, từ giữa năm 2018, Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ – Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Vingroup đã thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng tài trợ cho các dự án nghiên cứu có ý nghĩa, có tác động lớn tới xã hội với mức đầu tư tối thiểu là 2 tỷ đồng và tối đa là không có trần. Nếu sản phẩm có ý nghĩa, quỹ này sẵn sàng hỗ trợ để sản xuất ra tới sản phẩm cuối cùng.

Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Từ một anh sinh viên đi buôn áo gió, giờ đây ông Phạm Nhật Vượng đã trở thành tỷ phú đô la, nằm trong top 300 người giàu nhất hành tinh.

“Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ, mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời”, Chủ tịch Vingroup nói.

Vingroup có slogan “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” và chủ tịch Vingroup muốn nhân rộng tinh thần này ra toàn xã hội.

Xem thêm: Những chia sẻ đáng giá triệu đô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng



    Yêu cầu gửi lịch học