Chiến lược marketing tổng thể là gì?
Marketing là một lĩnh vực rất đa dạng. Trên thực tế, có tới hơn 100 loại hình marketing khác nhau. Một số công ty chỉ quan tâm tới nâng cao thương hiệu bằng các bài PR trên báo, những công ty khác lại tin vào việc truyền miệng, phát tờ rơi hoặc sử dụng mạng xã hội. Việc lựa chọn cách tiếp cận khách hàng phù hợp trở thành một thách thức lớn với doanh nghiệp.
Cộng với sự phát triển của internet và những tiến bộ công nghệ trong vài thập kỷ gần đây đã mang lại khả năng sản xuất các sản phẩm rẻ hơn và tốt hơn với tốc độ nhanh hơn. Điều này làm cho các doanh nghiệp ngày càng khó cạnh tranh hơn bằng giá cả hoặc chất lượng.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Các doanh nghiệp ngày nay buộc phải cạnh tranh bằng cách sử dụng các tài sản vô hình, chẳng hạn như mối quan hệ khách hàng, thương hiệu, dịch vụ khách hàng, v.v.
Trước tình thế này, phương pháp marketing tốt nhất và hiệu quả nhất là có thể tiếp cận khách hàng bằng một chiến lược tổng thể. Vậy, marketing tổng thể là gì?
Khái niệm marketing tổng thể
Marketing tổng thể (Holistic Marketing Strategy) là một chiến lược marketing coi toàn bộ hoạt động kinh doanh và tất cả các kênh marketing khác nhau như một hệ thống đồng bộ. Bằng cách này, một doanh nghiệp với các phòng ban khác nhau sẽ cùng nhau nâng cao trải nghiệm khách hàng và hình ảnh thương hiệu tích cực trên tất cả các kênh.
Để chiến lược marketing tổng thể thành công, tổ chức cần đảm bảo những điều sau:
- Có mục tiêu chung : Chiến lược marketing tổng thể yêu cầu tất cả các bộ phận và khía cạnh của doanh nghiệp phải hoạt động hài hòa để hướng tới một mục tiêu chung là mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng .
- Các hoạt động được liên kết: Tất cả các hoạt động kinh doanh, quy trình, giao tiếp và dịch vụ phải được liên kết để đạt được mục tiêu chung là cung cấp trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
- Hoạt động tích hợp : Tất cả các hoạt động và quy trình trong doanh nghiệp phải được thiết kế và tích hợp theo cách chúng hoạt động đồng bộ để mang lại trải nghiệm khách hàng nhất quán và liền mạch.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng được một chiến lược marketing tổng thể?
Bốn thành phần chính trong marketing tổng thể
Mặc dù chiến lược có thể được thực hiện khác nhau giữa các công ty, nhưng mọi chiến lược marketing tổng thể đều bao gồm bốn thành phần chính: marketing quan hệ, marketing tích hợp, marketing nội bộ và marketing xã hội.
Marketing quan hệ
Mục tiêu của marketing quan hệ là xây dựng các mối quan hệ bền vững và lâu dài. Trọng tâm được chuyển hướng khỏi việc bán sản phẩm và tập trung nhiều hơn vào sự hài lòng và giữ chân khách hàng, cũng như xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
Khách hàng, nhà cung cấp và doanh nghiệp là những yếu tố cần thiết để một tổ chức có thể tồn tại và phát triển. Mỗi thứ đều có tác động đáng kể đến sự thành công hay thất bại của công ty.
Marketing tích hợp
Thành phần này liên quan đến thông điệp nhất quán mà doanh nghiệp truyền thông đến khách hàng của mình. Chiến lược này đảm bảo rằng tất cả các bộ phận của doanh nghiệp làm việc cùng nhau để hướng tới một mục đích và sứ mệnh thấy được. Tất cả các hoạt động truyền thông bao gồm quảng cáo, quan hệ công chúng và marketing online hoạt động đồng bộ với nhau để đảm bảo thông điệp và nhận thức của khách hàng về công ty là rõ ràng và tích cực.
Bất cứ khi nào công ty bạn thực hiện một chiến dịch, hãy đảm bảo rằng nó được thể hiện rõ ràng và xuyên suốt bởi tất cả mọi người trong công ty. Từ bảo vệ cho đến tổng giám đốc.
Marketing nội bộ
Marketing nội bộ là tất cả những việc liên quan đến nhân viên, công tác viên, nhà thầu và đối tác của doanh nghiệp. Nó đảm bảo rằng nhân viên hài lòng với công việc của họ cũng như triết lý và định hướng của tổ chức. Sự hài lòng giữa các nhân viên dẫn đến sự hài lòng của khách hàng tăng lên theo thời gian. Đây chính là sức mạnh làm cho marketing nội bộ trở thành một khía cạnh quan trọng của chiến lược marketing tổng thể.
Marketing xã hội
Thành phần cuối cùng trong chiến lược marketing tổng thể là marketing có trách nhiệm với xã hội. Hãy nghĩ về những sản phẩm mà một phần tiền thu được dành cho mục đích xã hội ( như từ thiện, ủng hộ,…) hoặc những sản phẩm được tạo có trách nhiệm giúp xã hội phát triển hơn.
Marketing xã hội tạo ra các sáng kiến dựa trên thực tiễn kinh doanh và tuân thủ đạo đức. Nó cung cấp một phương pháp khác giúp các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững với cộng đồng.
Ví dụ về chiến lược marketing tổng thể
Coca-Cola là ví dụ điển hình nhất về sử dụng chiến lược marketing tổng thể . Họ đã soạn thảo toàn bộ kế hoạch tiếp thị của mình về một mục tiêu – Hạnh phúc. Họ không chỉ tiếp thị sản phẩm của mình mà còn tiếp thị Hạnh phúc. Dựa trên mục tiêu đó, Coca-Cola muốn quảng bá Hạnh phúc.
Chiến lược này rất thông minh, bởi hạnh phúc là một trong những điều đáng trân trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Họ đã truyền đi thông điệp ‘Taste the Feeling’ và thể hiện theo cách, bất cứ khi nào bạn vui, hãy uống Coke. Chiến lược này đã thành công. Nó dẫn đến sự phát triển lớn mạnh của công ty kể từ đó.
Đây là một trong những ví dụ. Nếu bạn nhìn xung quanh, bạn sẽ tìm thấy nhiều ví dụ tuyệt vời về chiến lược marketing tổng thể như McDonald’s, Google, v.v.
Kết luận
Ngày nay, có quá nhiều quảng cáo khiến suy nghĩ của khách hàng đang thay đổi. Họ ngày càng cẩn trọng hơn trong việc ra quyết định mua hàng. Vì vậy, việc mua hàng của khách hàng được thực hiện sau rất nhiều suy nghĩ. Khách hàng tìm kiếm tham khảo rất nhiều nguồn thông tin để có thể tìm được sản phẩm phù hợp và có kiến thức tốt về sản phẩm mà họ muốn trước khi mua. Do đó, việc triển khai tốt chiến lược marketing tổng thể sẽ đảm bảo rằng khách hàng chọn sản phẩm của bạn hơn những người khác.