Enter your keyword

post

SWOT – Kỹ thuật phân tích Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Nguy cơ của doanh nghiệp

SWOT – Kỹ thuật phân tích Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Nguy cơ của doanh nghiệp

Để xác định định hướng chiến lược hoặc xác định các phương án chiến lược. Doanh nghiệp cần hiểu rõ những cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên ngoài, những điểm mạnh và điểm yếu từ trong nội bộ doanh nghiệp để làm căn cứ. Kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất để làm việc này là sử dụng ma trận SWOT.

SWOT là gì?

SWOT là công cụ rất hữu ích giúp tìm hiểu vấn đề hoặc ra quyết định trong việc tổ chức, quản lý cũng như trong kinh doanh. Nói một cách hình ảnh, SWOT là khung lý thuyết mà dựa vào đó, chúng ta có thế xét duyệt lại các chiến lược, xác định vị thế cũng như hướng đi của một tổ chức, một công ty, phân tích các đề xuất kinh doanh hay bất cứ ý tưởng nào liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp.

SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điếm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Nguy cơ).

Strengths – Điểm mạnh

Điểm mạnh là lợi thế của riêng của doanh nghiệp. Đó là những đặc điểm nổi trội, độc đáo mà chỉ doanh nghiệp mới có. Để tìm được điểm mạnh của doanh nghiệp. hãy tự hỏi và trả lời các câu hỏi:

  • Doanh nghiệp của làm điều gì tốt nhất?
  • Bạn đang có những nguồn lực nào?
  • Bạn có sở hữu lợi thế về con người, kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ, công nghệ… không?

Weaknesses – Điểm yếu

Điểm yếu là các yếu tố bất lợi đang tồn tại trong doanh nghiệp. Bạn cần nhanh chóng khắc phục những điểm yếu này nếu như muốn cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

  • Những điểm nào mà doanh nghiệp cần phải khắc phục để cạnh tranh tốt hơn?
  • Quy trình nào mà doanh nghiệp cần phải cải thiện?
  • Những tài sản nào mà doanh nghiệp cần phải bổ sung, như tiền bạc hay trang thiết bị máy móc?
  • Tồn tại những khoảng trống nào cần phải được lấp đầy về con người đang làm việc trong doanh nghiệp của bạn?
  • Liệu địa điểm / trụ sở mà doanh nghiệp của bạn đang hoạt động có phù hợp cho sự phát triển sau này?

Opportunities – Cơ hội

Những tác động từ môi trường bên ngoài nào sẽ hỗ trợ việc kinh doanh của bạn thuận lợi hơn? Tác nhân này có thể là:

  • Sự phát triển, nở rộ của thị trường
  • Đối thủ đang tỏ ra chậm chạp, yếu kém, tiếng xấu
  • Xu hướng công nghệ thay đổi
  • Xu hướng toàn cầu
  • Hợp đồng, đối tác, chủ đầu tư
  • Mùa, thời tiết
  • Chính sách, luật

Threats – Nguy cơ

Yếu tố bên ngoài nào đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trên con đường đi đến thành công chính là nguy cơ (hay thách thức). Danh sách các vấn đề sau đây có thể giúp bạn tìm ra nguy cơ mà bạn hoặc tổ chức sẽ gặp phải trong tương lai:

  • Bạn có phải đối phó với những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng sau này?
  • Liệu nhà cung ứng sẽ cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp theo mức giá hợp lý mà bạn có thể chấp nhận được?
  • Sự phát triển của công nghệ có ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp bạn?
  • Sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng có là mối bận tâm tới hoạt động của doanh nghiệp?
  • Xu thế của thị trường sau này có là thách thức cho doanh nghiệp trong tương lai?
  • Sau khi tìm ra nguy cơ, điều doanh nghiệp cần làm là đề ra phương án giải quyết và phương án này thường là nâng cao kỹ năng quản trị để không bị những nguy cơ nhấn chìm hoàn toàn.

Phân tích SWOT là gì?

Phân tích SWOT là việc đánh giá các dữ liệu được tổ chức kiểu SWOT theo một thứ tự logic, để hiểu được, trình bày được, thảo luận được, và ra áp dụng được. Bốn chiều đánh giá của SWOT là mở rộng của hai chiều “điểm mạnh” và “điểm yếu”.

Khi phân tích SWOT, điều đầu tiên là xác định chủ đích phân tích một cách thật rõ ràng. Việc này giúp những ai xem kết quả phân tích có thể hiểu được mục đích của phương pháp phân tích, đánh giá và quan hệ giữa các thành tố SWOT. Từ đó đóng góp được vào quá trình phân tích.

Đây là phương pháp rất đơn giản, dễ áp dụng và có thể sử dụng vào nhiều linh vực hoạt động trong doanh nghiệp.

Ma trận SWOT

Các bước xây dựng ma trận SWOT

Ma trận SWOT được sử dụng để hình thành các phương án chiến lược theo các bước sau:

Bước 1: Tổng hợp kết quả phân tích môi trường kinh doanh – Cơ hội và nguy cơ

Sau khi phân tích tất cả những yếu tố thuộc môi trường nền kinh tế bằng PEST. Phân tích môi trường ngành kinh doanh theo mô hình năm lực lượng cạnh tranh của M.Porter. Chúng ta lập bảng tổng hợp môi trường kinh doanh và nhận diện rõ cơ hội và thách thức đang đặt ra cho doanh nghiệp.

Tổ chức đánh giá môi trường bên ngoài là đánh giá và xếp hạng các cơ hội và thách thức.

Cơ hội và xếp hạng cơ hội

Sau khi phân tích các yếu tố môi trường vĩ mô và môi trường ngành, chúng ta cần đưa ra một bức tranh tổng thể về các cơ hội đối với doanh nghiệp. Các bước được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Liệt kê các cơ hội đối với doanh nghiệp
  • Bước 2: Lập bảng đánh giá tác động của các cơ hội đối với doanh nghiệp

Đánh giá tác động của cơ hội đối với doanh nghiệp

Căn cứ vào bảng đánh giá tác động của các cơ hội đối với doanh nghiệp, chúng ta có thể đưa ra một danh sách xếp hạng các cơ hội theo thứ tự ưu tiên. Các doanh nghiệp cần tranh thủ các cơ hội có mức ưu tiên cao, các cơ hội ở mức ưu tiên trung bình và thấp thì chỉ tận dụng khi có đủ nguồn lực. Các thứ tự ưu tiên này được sử dụng làm dữ liệu điền vào ma trận phân tích SWOT.

Thách thức và xếp hạng thách thức

Cũng giống như việc đánh giá và xếp hạng cơ hội, các thách thức cũng cần được liệt kê và lập bảng đánh giá tác động của các thách thức đối với doanh nghiệp.

Đánh giá tác động của thách thức đối với doanh nghiệp

Các thách thức ở mức ưu tiên cao thường do lãnh đạo tối cao xử lý. Đối với các thách thức ở mức độ ưu tiên thấp hơn thì càng có nhiều thời gian để bàn bạc và có hướng giải quyết dần dần.

Bước 2: Tổng hợp kết quả phân tích môi trường nội bộ doanh nghiệp – Thế mạnh và điểm yếu

Phân tích môi trường nội bộ doanh nghiệp nhằm phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp để xây dựng hệ thống mục tiêu và các chiến lược thích hợp nhằm tận dụng tối đa các điểm mạnh và có thể biến chúng thành khả năng đặc biệt, mặt khác hạn chế được những điểm yếu.

Với những kết quả phân tích nội bộ doanh nghiệp, chúng ta cũng lập bảng đánh giá môi trường nội bộ doanh nghiệp và xác định rõ những thế mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, điểm yếu có thể chính là điểm mạnh, nếu xét từ một góc độ khác.

Tìm hiểu về trường hợp một đơn vị sản xuất có công suất hoạt động lớn có thể cho thấy rõ điều này. Mặc dù công suất lớn có thể coi là một điểm mạnh mà các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp không có, nhưng cũng có thể coi là một điểm yếu, nếu việc tập trung đầu tư lớn vào công suất khiến doanh nghiệp khó điều chỉnh nhanh cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường.

Bước 3: Tổng hợp kết quả và hình thành ma trận SWOT – Thế mạnh và điểm yếu – Cơ hội và nguy cơ

Một doanh nghiệp không nhất thiết phải theo đuổi các cơ hội tốt nhất mà có thể thay vào đó là tạo dựng khả năng phát triển lợi thế cạnh tranh bằng cách tìm hiểu mức độ phù hợp giữa các điểm mạnh vào cơ hội sắp đến. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể khắc phục điểm yếu của mình để giành được những cơ hội hấp dẫn. Để phát triển chiến lược dựa trên bản phân tích SWOT, chúng ta phải tổng hợp kết quả đánh giá cơ hội, nguy cơ và điểm mạnh và điểm yếu để kết hợp các yếu tố này thành các nhóm phương án chiến lược cho doanh nghiệp.

Nhóm phương án chiến lược được hình thành:

  • Chiến lược S-O nhằm sử dụng điểm mạnh của doanh nghiệp để tận dụng những cơ hội.
  • Chiến lược W-O nhằm khắc phục các điểm yếu để tận dụng các cơ hội.
  • Chiến lược S-T sử dụng điểm mạnh của doanh nghiệp để đối phó những nguy cơ.
  • Chiến lược W-T nhằm khắc phục các điểm yếu để làm giảm nguy cơ.

Tóm lại

SWOT là công cụ mạnh mẽ nhằm xác định định hướng chiến lược hoặc xác định các phương án chiến lược cho doanh nghiệp. Để phân tích SWOT hiệu quả, doanh nghiệp cần tổng hợp và viết ra các đánh giá dưới dạng gạch đầu dòng, càng rõ ràng càng tốt.

Sau khi xóa bỏ những đặc điểm trùng lặp, gạch chân những đặc điểm quan trọng. Từ đó vạch rõ những hành động cần làm. Để tăng thêm tính hoàn thiện và hiệu quả, cần định kỳ cập nhật ma trận SWOT.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Nhắn Zalo
Gọi ngay