Enter your keyword

post

Hoạch định nguồn nhân lực với công tác tuyển dụng

Hoạch định nguồn nhân lực với công tác tuyển dụng

Hoạch định nguồn nhân lực là quá trình dự đoán nhu cầu nhân sự, đề ra các chính sách, các biện pháp và các bước thực hiện nhằm đảm bảo cho Doanh nghiệp có đủ số lượng nhân sự đáp ứng yêu cầu từng hoạt động và đem lại hiệu quả cao cho tổ chức.

Vai trò của hoạch định nguồn nhân lực

Hoạch định nguồn nhân lực là cơ sở giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng, cách thức quản trị nhân sự đảm bảo cho doanh nghiệp bố trí đúng người đúng việc, đúng thời điểm và linh hoạt đối phó những thay đổi của môi trường kinh doanh.

Kế hoạch hóa nguồn nhân lực có ảnh hưởng lớn hiệu quả hoạt động của tổ chức thông qua việc liên kết với các hoạt động quản lý khác trong tổ chức. Kế hoạch nhân lực giúp cho Doanh nghiệp thực hiện bố trí nhân lực một cách tốt nhất để giúp cho người lao động phát huy hiệu quả tiềm năng của họ.

Kế hoạch hóa nguồn nhân lực là cơ sở thực hiện các kế hoạch nhân sự khác của doanh nghiệp như: kế hoạch tuyển dụng, đào tạo phát triển, kế hoạch về trả thù lao cho người lao động

Các công việc của hoạch định nguồn nhân lực

  • Xác định số lượng, phẩm chất nhân sự cần thiết cho Doanh nghiệp ở các bộ phận và các ngành nghề để có thể thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
  • Ước tính khả năng cung cấp nhân sự theo nhu cầu của Doanh nghiệp.
  • Đưa ra các chính sách, biện pháp để có thể cân đối cung – cầu về nhân lực cho Doanh nghiệp trong các thời điểm tương lai.

Quy trình của hoạch định nguồn nhân lực

Hoạch định nguồn nhân lực không phải là một hoạt động độc lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với các hoạt động chức năng quản lý nhân sự khác trong tổ chức như: công tác tuyển dụng, công tác đào tạo và phát triển nhân sự, đánh giá và quản lý nhân sự, chế độ trả thù lao cho người lao động.

Do đó, quá trình lập kế hoạch nhân lực cần được thực hiện theo các bước sau:

  1. Phân tích môi trường và các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch nhân lực của doanh nghiệp.
  2. Xác định nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong tương lai.
  3. Đánh giá khả năng hiện có của doanh nghiệp để thu hút và giữ chân nhân sự.
  4. Đưa ra các chính sách, biện pháp để cân đối cung-cầu nhân sự.
  5. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Các nhân tố ảnh hưởng đến kế hoạch nhân lực

Các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài

Yếu tố về kinh tế: sự phát triển hay suy thoái kinh tế trong từng giai đoạn đều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế đáng ở giai đoạn suy thoái, thì sản xuất có xu hướng bị co hẹp. Cầu lao động trong mỗi doanh nghiệp có xu hướng giảm sút. Các doanh nghiệp có xu hướng sa thải bớt người do vậy số lượng lao động thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Nguồn cung lao động trên thị trường lao động tăng lên, các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn nhân lực hơn với giá rẻ.

Khi nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng thì tình hình ngược lại. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tăng lên, tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm bớt. Trên thị trường lao động, nguồn cung cấp lao động sẽ trở nên khan hiếm hơn, doanh nghiệp muốn tuyển được nhân lực có trình độ cao cần phải tăng chi phí tiền lương cho người lao động.

Những biến động về chính trị, luật pháp đều có ảnh hưởng đến nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Ví dụ: tình hình bất ổn về chính trị, các doanh nghiệp có xu hướng giảm đâu tư, co hẹp sản xuất dẫn đến nhu cầu lao động giảm,…

Nhân tố về kỹ thuật – công nghệ : sự tiến bộ về khoa học -kỹ thuật và công nghệ có ảnh hưởng phức tạp đến nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Một mặt, sự tiến bộ khoa học-kỹ thuật giúp cho năng suất lao động gia tăng, doanh nghiệp có điều kiện tiết giảm lao động, nhu cầu nhân lực giảm, nhưng bên cạnh đó, sự phát triển về khoa học- kỹ thuật và công nghệ cũng sẽ tạo nên những sản phẩm mới và ngành nghề mới, điều này lại dẫn đến nhu cầu lao đông của các ngành nghề mới gia tăng trên thị trường lao động.

Sự cạnh tranh của các đối thủ : mức độ cạnh tranh của các đối thủ trong ngành đều có ảnh hưởng khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp. Khi mức độ cạnh tranh gia tăng, doanh nghiệp muốn tuyển nhân lực có trình độ cao đều phải tăng mức tiền lương và chi phí nhân sự cao hơn các đối thủ của mình, và ngược lại.

Các yếu tố thuộc môi trường bên trong doanh nghiệp

Sản phẩm và dịch vụ: mỗi loại sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi những yêu cầu lao động khác nhau về số lượng, chất lượng lao động, trình độ lao động và kết cấu ngành nghề … do vậy điều này có ảnh hưởng đến khi lập kế hoạch nhân lực của doanh nghiệp.

Các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp: các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp đề ra trong tương lai như: mức độ tăng trưởng, sự đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi sản phẩm hoặc ngành nghề kinh doanh….đều liên quan đến nhu cầu sử dụng nhân lực. Do vậy, nó đều có ảnh hưởng đến kế hoạch nhân lực doanh nghiệp.

Dự án đầu tư mới về công nghệ hoặc khả năng phải thu hẹp về chi tiêu tài chính.

Khả năng bán hàng, mở rộng thị phần của doanh nghiệp, và mức tiêu thụ sản phẩm.

Độ dài thời gian kế hoạch hóa nguồn nhân lực: kế hoạch ngắn hạn xác định nhu cầu nhân lực khác với kế hoạch dài hạn.

Sự thay đổi tự nhiên của doanh nghiệp: số lượng người nghỉ hưu, sự thay đổi nghề nghiệp, thuyên chuyển công tác, kết thúc hợp đồng,…

Kết luận

Hoạch định nguồn nhân lực là một quá trình quan trọng để đảm bảo rằng tổ chức có đủ nhân lực và chất lượng nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc và mục tiêu của tổ chức. Quy trình hoạch định nguồn nhân lực bao gồm nhiều bước và bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau. Để thực hiện hoạch định nguồn nhân lực hiệu quả, tổ chức cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình của mình và đáp ứng được các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng nhân sự.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Nhắn Zalo
Gọi ngay