Thuyết con nhím: phương pháp hoạch định chiến lược trọng tâm
Thuyết con nhím (tên tiếng Anh: Hedgehoge Concept) bắt nguồn từ cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins dựa trên câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp về con cáo và con nhím. Cáo tuy ma mãnh, biết rất nhiều thứ, nhưng lại hay bị phân tán. Nhím thì chậm chạp và không ồn ào như cáo, nhưng lại hiểu rõ về thế mạnh của bản thân.
Trong kinh doanh, con cáo là những doanh nghiệp theo đuổi quá nhiều mục tiêu cùng một lúc và đầu tư dàn trải. Nếu không có một chiến lược trọng tâm, doanh nghiệp không thể đạt được thành tựu lớn mà chỉ thu về kết quả nhỏ nhặt. Trong khi đó, nếu biết cách tập trung toàn bộ nguồn lực đầu tư vào thế mạnh lớn nhất, doanh nghiệp sẽ chạm tới thành công.
Cách áp dụng Thuyết con nhím
Để áp dụng thuyết này, mỗi doanh nghiệp cần phải tự xác định được “điểm giao” của ba yếu tố sau:
- Động lực
- Lợi thế cạnh tranh
- Yếu tố sinh lợi nhuận
Bước 1: Xác định động lực của doanh nghiệp
Đâu là yếu tố (không phải tiền lương) tạo ra cảm hứng hay nguồn động lực cho nhân viên trong tổ chức. Đâu là những giá trị và động lực doanh nghiệp bạn đánh giá cao khi tuyển dụng nhân sự mới. Đâu là những giá trị cốt lõi nằm trong tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp?
Bước 2: Xác định điểm mạnh của doanh nghiệp
Người lãnh đạo cần xác định đâu là điểm doanh nghiệp làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh, hoặc xác định được hoạt động doanh nghiệp có khả năng trở nên vượt trội. Điểm mạnh có thể nằm trong sản phẩm, quy trình hoạt động, đối tác, nguồn lực… Những công cụ phân tích như SWOT, phân tích điểm lợi thế USP, đường cong giá trị có thể giúp người lãnh đạo xác định được những điểm mạnh của tổ chức
Bước 3: Xác định yếu tố sinh lợi nhuận của doanh nghiệp
Yếu tố sinh lời là những yếu tố chủ chốt để mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tùy theo từng ngành nghề và doanh nghiệp, yếu tố sinh lời (tạm gọi là X) lại khác nhau, và hệ số lợi nhuận/X cần phải được xác định dựa trên đặc thù tổ chức. Ví dụ như:
- Lợi nhuận trên từng khách hàng
- Lợi nhuận trên từng nhân viên
- Lợi nhuận trên mỗi lượt giao dịch
Bước 4: Xác định giao điểm
Giao điểm giữa ba yếu tố trên sẽ là “điểm con nhím” của doanh nghiệp: Tầm nhìn trọng tâm định hướng cho chiến lược của tổ chức. Nếu doanh nghiệp không thực sự tìm được giao điểm, người lãnh đạo cần tiến hành phân tích thêm, hoặc kết hợp các yếu tố khác nhau để tìm ra được tầm nhìn trọng tâm phù hợp nhất.
Bước 5: Đánh giá, điều chỉnh
Từ kết quả ở 4 bước trên, doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược sao cho đạt được kết quả cuối cùng tối ưu nhất.