[Khởi sự doanh nghiệp] Bài 2: Hình thành ý tưởng kinh doanh
Để khởi nghiệp, bạn không chỉ dựa vào mỗi kỹ năng, bạn cần có ý tưởng kinh doanh. Có được ý tưởng kinh doanh hay, doanh nghiệp bạn có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, thu hút lượng lớn khách hàng mới mà không cần phải quan tâm đến vấn đề cạnh tranh.
Ý tưởng kinh doanh là gì?
Ý tưởng kinh doanh (tiếng Anh là Business ideas) là những ý tưởng sáng tạo có thể đem lại lợi nhuận trong kinh doanh. Thị trường đa dạng mỗi nơi một khác, phụ thuộc vào người dân sống ở đó, họ là ai, sống như thế nào, chi tiêu ra sao, tiêu vào những việc gì,…? Với những thông tin có được từ thị trường, bạn sẽ hình thành ý tưởng kinh doanh cho riêng mình. Đó sẽ là ý tưởng cho hoạt động kinh doanh của bạn trong tương lai.
Một doanh nghiệp mới nếu chỉ sản xuất những sản phẩm, dịch vụ đã có và bán chúng ở những thị trường đã tồn tại thì chưa phải là một ý tưởng kinh doanh tốt. Vì vậy, để có ý tưởng kinh doanh tốt, trước hết bạn cần biết cách hình thành ý tưởng kinh doanh.
1. Nguyên tắc hình thành ý tưởng trong kinh doanh
Ý tưởng kinh doanh phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh bởi không những nó lấp đầy được nhu cầu mới mà nó còn mang lại giá trị hoặc dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Lợi thế cạnh tranh được tạo ra từ việc hình thành sản phẩm dịch vụ mới; hoặc sử dụng công nghệ mới tạo ra sản phẩm dịch vụ; hoặc từ một thị trường mới mà ở đó nhu cầu vượt cung hiện tại; hoặc từ một tổ chức mới…Một ý tưởng kinh doanh luôn phải được hình thành theo nguyên tắc SMARTER.
Specific – cụ thể, dễ hiểu
- Ý tưởng kinh doanh phải cụ thể vì nó định hướng cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bạn trong tương lai.
- Đừng nói mục tiêu trong ý tưởng kinh doanh của bạn là dẫn đầu thị trường trong khi đối thủ đang chiếm 40 % thị phần. Thay vào đó hãy đặt mục tiêu chiếm tối thiểu 41% thị phần, từ đó bạn sẽ biết mình còn phải cố đạt bao nhiêu % nữa.
Measurable – đo lường được
- Các chỉ tiêu trong ý tưởng kinh doanh của bạn mà không đo lường được thì không biết có đạt được hay không?
- Đừng ghi: “phải trả lời thư của khách hàng ngay khi có thể”. Hãy yêu cầu nhân viên trả lời thư ngay trong ngày nhận được.
Achievable – vừa sức
- Các chỉ tiêu đặt ra trong ý tưởng phải có tính thách thức để cố gắng, nhưng cũng đừng đặt chỉ tiêu loại không thể đạt nổi.
- Nếu bạn không có giọng ca trời phú thì đừng đặt chỉ tiêu trở thành siêu sao.
Realistics – thực tế
- Đây là tiêu chí đo lường sự cân bằng giữa khả năng thực hiện ý tưởng so vối nguồn lực của bạn (thời gian, nhân sự, tiền bạc..).
- Đừng đặt chỉ tiêu giảm 20 kg trong một tháng để đạt trọng lượng lý tưởng 45 kg trong vòng một tháng, như vậy là không thực tế.
Timebound – có thời hạn
- Mọi công việc phải có thời hạn hoàn thành, nếu không nó sẽ bị trì hoãn.
- Thời gian hợp lý giúp bạn vừa đạt được mục tiêu lại vừa dưỡng sức cho các mục tiêu khác.
Engagement – liên kết
- Ý tưởng kinh doanh của bạn phải làm sao để liên kết được lợi ích của công ty và lợi ích của các chủ thể khác.
- Khi các bộ phận, nhân viên tham gia thực hiện mục tiêu, họ sẽ được kích thích như thế nào. Nếu doanh nghiệp bạn thành lập để triển khai ý tưởng kinh doanh của bạn không có chế độ này, việc thực hiện mục tiêu sẽ không có hiệu quả.
Ralevant – thích đáng
- Chỉ tiêu có hữu ích đối với một bộ phận nhưng bộ phận khác lại thờ ơ cũng là điều bạn cần quan tâm nếu muốn tạo ra sức mạnh tổng thể để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình.
- Ví dụ mức tồn kho, bộ phận bán hàng luôn muốn mức tồn kho cao trong khi bộ phận tài chính lại muốn mức tồn kho thấp.
- Mục tiêu trong ý tưởng kinh doanh phải thích đáng, công bằng với tất cả các bộ phận của doanh nghiệp
2. Tìm kiếm ý tưởng
Sau khi nắm rõ bí quyết hình thành ý tưởng kinh doanh. Bạn bắt đầu sàng lọc và tìm kiếm ý tưởng phù hợp với mình. Hãy đánh thức giác quan kinh doanh của bạn, chú ý tìm xem có những cơ hội nào chưa được lấp đầy. Nghiên cứu thị trường thông qua tất cả các kênh mà bạn biết như báo, tạp chí, tivi, trò chuyện với mọi người, đến các trung tâm buôn bán,….Và trả lời các câu hỏi sau:
- Bạn muốn có những sản phẩm hoặc dịch vụ nào mà bạn chưa thể tìm được trên thị trường?
- Có việc gì mà mọi người đều không thích làm mà bạn có thể làm?
- Có những sản phẩm hay dịch vụ nào có thể làm cho cuộc sống của những người bạn quen biết trở nên dễ dàng hơn không?
- Những xu hướng kinh doanh nào đang diễn ra mà bạn có thể tham gia vào và sẽ thực sự nhóm lên sự nghiệp kinh doanh của bạn?
- Có những khoảng trống nào trên thị trường mà bạn có thể lấp đầy với tài năng của mình không? Chúng là gì?
- Cuối cùng, hãy viết ra cụ thể một số ý tưởng kinh doanh mà bạn thấy tiềm năng
Cách khác để tìm kiếm ý tưởng kinh doanh là dưa theo quan điểm định hướng hàng hóa hoặc quan điểm định hướng khách hàng. Ví dụ:
Quan điểm định hướng hàng hoá | Quan điểm định hướng khách hàng |
---|---|
– Tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tôi sẽ thành lập trung tâm ngoại ngữ. | – Trong thị trấn nhiều trung tâm gặp khó khăn trong chiêu sinh do ít có giáo viên giỏi tham gia giảng dạy tại trung tâm, lương giáo viên các trung tâm đó trả thấp nên tôi sẽ thành lập trung tâm ngoại ngữ. |
– Tôi học làm bác sĩ tôi có điều kiện để mua trang thiết bị máy móc. Tôi sẽ mở phòng khám tư cho trẻ em. | – Trong phường có nhiều trẻ em khi bị ốm phải đi khám xa, trên địa bàn phường lại chưa có phòng khám tư nào, vì thế tôi sẽ mở phòng khám tư cho trẻ e |
– Tôi biết trồng cây đậu tương mới vì thế tôi sẽ phổ biến kỹ thuật trồng cây này tới bà con trong xã tôi và cung cấp giống đậu tương này tới bà con. | – Chị em phụ nữ trong xã tôi mong muốn được trồng giống đậu tương mới, năng suất cao vì trước đây họ chỉ trống giống cũ năng suất thấp vì thế tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng giống cây này và cung cấp giống mới cho chị em trong xã. |
Lời khuyên: Bạn hãy kết hợp cả hai cách để tìm ý tưởng kinh doanh cho mình. Vì nếu bạn xuất phát từ quan điểm định hướng khách hàng, nhưng không có kỹ năng làm ra sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp nhận thì doanh nghiệp bạn không có khách. Ngược lại nếu bạn xuất phát từ quan điểm hàng hóa, bạn sản xuất ra sản phẩm tuyệt vời nhưng không có khách hàng thì việc kinh doanh ấy cũng thất bại.
Bài liên quan: 10 kỹ năng cần phải có để khởi nghiệp thành công
3. Thế nào là ý tưởng kinh doanh hay?
Ý tưởng của bạn có thể là tuyệt vời thực sự nhưng vẫn có việc cần làm thêm nữa. Đâu đó giữa ý tưởng bạn vội vàng viết trên tờ nháp với việc bạn khởi nghiệp kinh doanh thực sự có một quy trình bạn cần thực hiện để quyết định xem doanh nghiệp của mình về cơ bản sẽ thành công hay thất bại. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp quá tự tin và hứng thú với các ý tưởng mới của mình mà quên mất việc cần phải tìm hiểu xem liệu ý tưởng của mình có thực tế không. Một ý tưởng thú vị nhưng không thể triển khai trên thực tế thì cũng không được đánh giá là một ý tưởng kinh doanh hay.
Về nguyên tắc, bạn có thể đánh giá một ý tưởng kinh doanh có hay hay không bằng phương pháp cho điểm. Bạn có thể cho điểm từ 0 đến 6 vơi các tiêu thức cụ thể như sau:
- Hiểu biết về ngành nghề kinh doanh: Bạn biết gì về ngành này? Bạn có cần phải bỏ thêm thời gian và tiền bạc để học hỏi về ngành này không? Bạn có phải thu nhận thêm đối tác vì bạn không đủ hiểu biết về ngành này không?
Thang điểm đánh giá: Điểm 0 nếu bạn không hiểu gì về ngành kinh doanh này, điểm 2 nếu bạn có một chút hiểu biết, điểm 4 nếu bạn hiểu một cách hạn chế, điểm 6 nếu bạn hiểu ở mức có thể tự tiến hành công việc.
- Kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh: Bạn đã từng bao giờ đứng ra làm chủ doanh nghiệp hoặc làm việc trong lĩnh vực kinh doanh chưa? Kinh nghiệm làm việc thực tế quan trọng đến mức nào trong ngành này?
Thang điểm đánh giá: Điểm 0 nếu bạn không có chút kinh nghiệm gì, điểm 2 nếu bạn chỉ có chút ít kinh nghiệm, điểm 4 nếu bạn có kinh nghiệm nhưng chưa đủ, điểm 6 nếu bạn thông thạo lĩnh vực này.
- Kỹ năng đặc thù trong ngành kinh doanh này của bạn: Những kỹ năng mà bạn cần đạt trình độ nào? Nếu bạn chưa có những kỹ năng đó, để có được chúng bạn phải cố gắng ở mức độ nào?
Thang điểm đánh giá: Điểm 0 nếu bạn không có kỹ năng này, điểm 2 nếu bạn chỉ có một ít kỹ năng, điểm 4 nếu bạn có một số kỹ năng, điểm 6 nếu có đủ kỹ năng cần thiết.
- Khả năng thâm nhập thị trường: Hãy tính đến những chi phí để tham gia kinh doanh và những rào cản cạnh tranh bạn có thể gặp phải.
Thang điểm đánh giá: Điểm 0 nếu lĩnh vực kinh doanh bị cạnh tranh mạnh, điểm 2 nếu bạn đã có sự thâm nhập hạn chế, điểm 4 nếu có cả đối thủ cạnh tranh lớn và nhỏ, điểm 6 nếu hầu như không có hạn chế nào đối với sự thâm nhập.
- Tính độc đáo của ý tưởng: Không nhất thiết phải mang ý nghĩa không có ai cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cùng loại, mà nó có ý nghĩa rằng chưa có ai/ít người cung cấp theo cách mà bạn cung cấp hoặc chưa có ai/ít người cung cấp trong khu vực mà bạn định kinh doanh.
Thang điểm đánh giá: Điểm 0 nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có rất nhiều người cung cấp, điểm 2 nếu có một số người khác cùng cung cấp sản phẩm giống bạn, điểm 4 nếu chỉ có một vài nhà cung cấp giống bạn, điểm 6 nếu không có ai cung cấp sản phẩm mà bạn có ý định cung cấp.
Sau khi tính được tổng số điểm của các ý tưởng, loại bỏ những ý tưởng có tổng điểm nhỏ hơn 20, những ý tưởng mà không đạt được điểm 4 ở từng tiêu chí, và ý tưởng không đạt được điểm 6 ở ít nhất một tiêu chí. Sau quá trình loại bỏ này, bạn sẽ còn danh mục các ý tưởng kinh doanh hay nhất để có thể triển khai trong thực tế. Bạn có thể cân nhắc chọn một (vài) trong ý tưởng đó hoặc chọn ý tưởng có mức điểm cao nhất. Nếu sau qua trình này không có ý tưởng nào được chọn thì bạn lại nghiên cứu tìm hiểu và đánh giá lại từ đầu.
4. Phát triển thành kế hoạch
Một xuất phát điểm sai lệch sẽ dẫn tới thất bại, một ý tưởng kinh doanh sáng suốt có thể mang lại thành công thực sự. Mục đích của việc viết một bản kế hoạch là trình bày về cơ hội kinh doanh tiềm năng và công việc kinh doanh dự tính khởi sự của bạn. Bản kế hoạch phải chứng minh được là có một cơ hội tiềm năng rất triển vọng, sau đó mô tả cách thức bạn dự kiến khai thác cơ hội đó. Bạn phải mô tả thật chi tiết tất cả các phần việc bạn sẽ phải làm trong tương lai cho doanh nghiệp của mình và xem xét liệu có điểm yếu nào không. Quan trọng là quá trình lập kế hoạch tạo cho bạn cơ hội thử nghiệm nó trong tư duy và trên giấy trước khi biến nó thành hiện thực.
Nhiều người có quan niệm sai lầm là một bản kế hoạch kinh doanh trước hết được sử dụng với mục đích huy động vốn đầu tư. Đúng là bản kế hoạch tốt sẽ có tác dụng hậu thuẫn cho việc huy động vốn nhưng mục đích chính của kế hoạch kinh doanh là giúp bạn hiểu sâu sắc về cơ hội kinh doanh mà bạn đang dự kiến triển khai. Trong thời kỳ bùng nổ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nhân nghi ngờ về sự cần thiết của một bản kế hoạch kinh doanh mà theo họ, điều quan trọng nhất là phải hành động thật nhanh trong một thế giới luôn vận động và cạnh tranh cao độ.
Logic ở đây thật đơn giản: Xây dựng kế hoạch kinh doanh tốn nhiều thời gian mà các doanh nhân thì thiếu thời gian để làm việc đó. Trên thực tế, bỏ thời gian để phát triển bản kế hoạch có thể cứu vãn hàng ngàn thậm chí hàng triệu đô la có thể tan thành mây khói với việc theo đuổi những ý tưởng kinh doanh viển vông.
Tuy nhiên, một lợi ích to lớn của kế hoạch kinh doanh là nó cho phép bạn thể hiện rõ ràng cơ hội kinh doanh với các đối tượng hữu quan theo cách hiệu quả nhất. Các nhân viên, đối tác chiến lược, tổ chức tài chính và thành viên hội đồng quản trị đều có thể tìm thấy sự hữu ích của bản kế hoạch kinh doanh được phát triển hoàn chỉnh. Bản kế hoạch bao gồm triển vọng phát triển của công ty để thu hút các nguồn lực tài chính, cung cấp những căn cứ hợp lý để thuyết phục những nhân viên tiềm năng rời bỏ công việc hiện tại của họ để đến làm việc cho doanh nghiệp mới thành lập của bạn. Bản kế hoạch cũng là một công cụ có thể thắt chặt mối quan hệ với các đối tác chiến lược, các khách hàng quan trọng hay những nhà cung cấp.
Tóm lại, một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh sẽ giúp bạn biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Đồng thời, tạo cho bạn sự tín nhiệm trong con mắt của các đối tượng hữu quan.