Enter your keyword

post

Phân tích tài chính doanh nghiệp

Hoạt động tài chính là một bộ phận của hoạt động sản xuất kinh doanh, có mối liên hệ trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh và có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành và phát triển doanh nghiệp. Do đó, nếu không thường xuyên hoặc không biết phân tích tài chính, doanh nghiệp sẽ rất dễ phá sản do quản lý, chủ đầu tư cũng như các bên liên quan không thấy rõ được bức tranh toàn cảnh hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Phân tích tài chính doanh nghiệp là gì?

Phân tích tài chính doanh nghiệp là quá trình vận dụng tổng thể các phương pháp phân tích khoa học để đánh giá tài chính của doanh nghiệp, giúp cho các chủ thể quản lý có lợi ích gắn với doanh nghiệp nắm được thực trạng tài chính và an ninh tài chính của doanh nghiệp, dự đoán được chính xác tài chính doanh nghiệp trong tương lai cũng như những rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Qua đó, đề ra các quyết định phù hợp với lợi ích của họ.

Các chủ thể có lợi ích gắn với doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan bao gồm:

  • Các nhà quản lý doanh nghiệp
  • Nhà đầu tư (kể cả các cổ đông hiện tại và tương lai)
  • Những cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp như: Ngân hàng, tổ chức tài chính, người mua trái phiếu của doanh nghiệp, các doanh nghiệp khác…
  • Những người hưởng lương trong doanh nghiệp
  • Cơ quan quản lý Nhà nước;
  • Nhà phân tích tài chính;

Các đối tượng sử dụng thông tin tài chính khác nhau sẽ đưa ra các quyết định với mục đích khác nhau. Vì vậy, phân tích tài chính doanh nghiệp đối với mỗi đối tượng khác nhau sẽ đáp ứng các mục tiêu khác nhau.

Nội dung phân tích tài chính doanh nghiệp

Xuất phát từ mục tiêu phân tích tài chính cũng như bản chất và nội dung các quan hệ tài chính của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu phân tích tài chính doanh nghiệp được chia thành những nhóm sau:

Phân tích cấu trúc tài chính và cân bằng tài chính

Nội dung phân tích này nhằm đánh giá khái quát cấu trúc tài sản, cấu trúc nguồn vốn của đơn vị. Qua đó phát hiện những đặc trưng trong việc sử dụng vốn, huy động vốn và cân bằng tài chính.

Phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Hoạt động trong cơ chế thị trường, mỗi doanh nghiệp có những hướng chiến lược phát triển riêng trong từng giai đoạn. Lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng gắn liền với thị phần. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận là hai yếu tố quan trọng khi đánh giá hiệu quả. Hiệu quả của doanh nghiệp cần xem xét một cách tổng thể trong sự tác động giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính. Phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không chỉ xem xét hiệu quả cá biệt mà còn xem xét hiệu quả tổng hợp.

Phân tích rủi ro của doanh nghiệp

Bản chất của hoạt động kinh doanh luôn mang tính mạo hiểm nên bất kỳ nhà phân tích tài chính doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến rủi ro. Qua đó, phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh, trong huy động vốn và công tác thanh toán.

Phân tích giá trị của doanh nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động tài chính doanh nghiệp với hai chức năng cơ bản là huy động vốn và sử dụng vốn nhưng hướng đến mục tiêu là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp được nâng cao không chỉ là kết quả tổng hợp từ sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp mà còn liên quan đến thái độ, trách nhiệm của doanh nghiệp trước cộng đồng. Đó chính là phương cách để doanh nghiệp nâng cao vị trí của mình trên thị trường, từ đó tác động ngược lại đến hoạt động tài chính.

Quy trình phân tích tài chính doanh nghiệp

Phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp

Để tiến hành phân tích tài chính doanh nghiệp, các nhà phân tích thường kết hợp sử dụng các phương pháp mang tính nghiệp vụ – kỹ thuật khác nhau. Mỗi một phương pháp có những tác dụng khác nhau và được sử dụng trong từng nội dung cụ thể.

Phương pháp so sánh

So sánh là phương pháp được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong phân tích kinh tế nói chung và phân tích tài chính doanh nghiệp nói riêng. Mục đích của so sánh là làm rõ sự khác biệt hay những đặc trưng riêng có và tìm ra xu hướng, quy luật biến động của đối tượng nghiên cứu; từ đó, giúp cho các chủ thể quan tâm có căn cứ để đề ra quyết định lựa
chọn.

Khi sử dụng phương pháp so sánh, các nhà phân tích cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Điều kiện so sánh được của chỉ tiêu: Chỉ tiêu nghiên cứu muốn so sánh được phải đảm bảo thống nhất về nội dung
    kinh tế, thống nhất về phương pháp tính toán, thống nhất về thời gian và đơn vị đo lường.
  • Gốc so sánh: Gốc so sánh được lựa chọn có thể là gốc về không gian hay thời gian, tùy thuộc vào mục đích phân tích. Về không gian, có thể so sánh đơn vị này với đơn vị khác, bộ phận này với bộ phận khác, khu vực này với khu vực khác… Việc so sánh về không gian thường được sử dụng khi cần xác định vị trí hiện tại của doanh nghiệp so với đối
    thủ cạnh tranh, so với số bình quân ngành, bình quân khu vực… Cần lưu ý rằng, khi so sánh về mặt không gian, điểm gốc và điểm phân tích có thể đổi chỗ cho nhau mà không ảnh hưởng đến kết luận phân tích. Về thời gian, gốc so sánh được lựa chọn là các kỳ đã qua (kỳ trước, năm trước) hay kế hoạch, dự toán….

Phương pháp phân chia (chi tiết)

Phương pháp này được sử dụng để phân chia quá trình và kết quả chung thành những bộ phận cụ thể theo các tiêu chí nhất định. Việc này nhằm làm rõ quá trình hình thành và cấu thành của kết quả theo những khía cạnh khác nhau, phù hợp với mục tiêu quan tâm của từng chủ thể quản lý trong từng thời kỳ.

Trong phân tích, người ta thường chi tiết quá trình phát sinh và kết quả đạt được của hoạt động tài chính doanh nghiệp thành 3 phần:

  • Theo yếu tố cấu thành của chỉ tiêu nghiên cứu: chi tiết chỉ tiêu nghiên cứu thành các bộ phận cấu thành nên bản thân chỉ tiêu đó.
  • Theo thời gian phát sinh quá trình và kết quả kinh tế: chia nhỏ quá trình và kết quả theo trình tự thời gian phát sinh và phát triển.
  • Theo không gian phát sinh của hiện tượng và kết quả kinh tế: chia nhỏ quá trình và kết quả theo địa điểm phát sinh và phát triển của chỉ tiêu nghiên cứu.

Phương pháp liên hệ, đối chiếu

Liên hệ, đối chiếu là phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp thường sử dụng để nghiên cứu, xem xét mối liên hệ kinh tế giữa các sự kiện và hiện tượng kinh tế, đồng thời xem xét tính cân đối của các chỉ tiêu kinh tế trong quá trình hoạt động. Sử dụng phương pháp này cần chú ý đến các mối liên hệ mang tính nội tại, ổn định, chung nhất và được lặp đi lặp lại, các liên hệ ngược, liên hệ xuôi, tính cân đối tổng thể, cân đối từng phần… Vì vậy, cần thu thập được thông tin đầy đủ và thích hợp về các khía cạnh liên quan đến các luồng chuyển dịch giá trị, sự vận động của các nguồn lực trong doanh nghiệp và mối quan hệ kinh tế của doanh nghiệp với các bên có liên quan.

Phương pháp phân tích nhân tố

Phân tích nhân tố là phương pháp được sử dụng để nghiên cứu, xem xét các chỉ tiêu kinh tế tài chính trong mối quan hệ với các nhân tố ảnh hưởng thông qua việc xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố và phân tích thực chất ảnh hưởng của các nhân tố đến chỉ tiêu phân tích.

Phương pháp Dupont

Phương pháp phân tích tài chính Dupont được phát minh bởi F.Donaldson Brown – một kỹ sư điện người Mỹ và là nhà quản lý tài chính của công ty hóa học Dupont.

Phương pháp Dupont dựa trên cơ sở kiểm soát các chỉ tiêu phân tích tài chính phức tạp. Mỗi chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ tài chính dưới dạng các tỷ số, khi tỷ số tài chính tăng hay giảm tùy thuộc vào mẫu số và tử số của tỷ số đó. Mặt khác, mỗi tỷ số tài chính còn ảnh hưởng bởi các quan hệ tài chính của doanh nghiệp với các bên có liên quan và quan hệ nội tại của các hoạt động tài chính mà nó phản ánh. Chính vì vậy, việc thiết lập quan hệ của mỗi tỷ số tài chính với những nhân tố ảnh hưởng đến nó theo một trình tự logic, chặt chẽ và nhìn rõ ràng hơn các hoạt động tài chính của
doanh nghiệp để có cách thức tác động vào từng nhân tố một cách hợp lý và hiệu quả nhất

Phương pháp dự đoán

Phương pháp dự đoán được sử dụng để dự báo tài chính doanh nghiệp. Có nhiều phương pháp khác nhau để dự đoán các chỉ tiêu kinh tế tài chính trong tương lai; trong đó, phương pháp hồi quy được sử dụng khá phổ biến. Theo phương pháp này, các nhà phân tích sử dụng số liệu quá khứ, dữ liệu đã diễn ra theo thời gian hoặc diễn ra tại cùng một thời điểm để thiết lập mối quan hệ giữa các hiện tượng và sự kiện có liên quan. Thuật ngữ toán học gọi là sự nghiên cứu mức độ tác động của một hay nhiều biến độc lập (biến giải thích) đến một biến số gọi là biến phụ thuộc (biến kết quả).

Mối quan hệ này được biểu diễn dưới dạng phương trình gọi là phương trình hồi quy. Dựa vào phương trình hồi quy người ta có thể giải thích kết quả đã diễn ra, ước tính và dự báo những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Phương pháp hồi qui thường được sử dụng dưới dạng hồi quy đơn, hồi quy bội để đánh giá và dự báo kết quả tài chính doanh nghiệp.

Các phương pháp phân tích khác

Ngoài các phương pháp được sử dụng nêu trên. Để thực hiện chức năng của mình, phân tích tài chính doanh nghiệp còn có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp khác như: phương pháp thang điểm, phương pháp kinh nghiệm, phương pháp quy hoạch tuyến tính, phương pháp sử dụng mô hình kinh tế lượng, phương pháp dựa vào ý kiến của các chuyên gia… Mỗi một phương pháp được sử dụng tùy thuộc vào mục đích phân tích và dữ liệu phân tích.

Trả lời

Your email address will not be published.

Nhắn Zalo
Gọi ngay