Các phương pháp dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp
Trước khi bắt tay vào hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần phải xác định được nhu cầu vốn trong doanh nghiệp mình. Làm tốt việc này sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục và trôi chảy. Để có thể dự báo nhu cầu vốn, doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp sau đây.
CÁc phương pháp dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp
Phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu
Đây là một phương pháp dự báo nhu cầu vốn ngắn hạn và đơn giản. Khi áp dụng phương pháp này đòi hỏi người thực hiện phải hiểu đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (quy trình sản xuất, tính chất của sản phẩm, tính thời vụ…) và phải hiểu tính quy luật của mối quan hệ giữa doanh thu với tài sản, tiền vốn, phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Tài liệu dùng để dự báo bao gồm: các báo cáo tài chính kỳ trước và dự kiến doanh thu của kỳ kế hoạch. Phương pháp này được tiến hành qua 4 bước sau:
Bước 1: Tính số dư bình quân của các khoản mục trong bảng cân đối kế toán kỳ thực hiện
Bước 2: Chọn các khoản mục trong bảng cân đối kế toán chịu sự tác động trực tiếp và có quan hệ chặt chẽ với doanh thu, và tính tỷ lệ phần trăm của các khoản đó so với doanh thu thực hiện trong kỳ.
Bước 3: Dùng tỷ lệ phần trăm đó để ước tính nhu cầu vốn kinh doanh cho năm kế hoạch trên cơ sở doanh thu dự kiến năm kế hoạch.
Bước 4: Định hướng nguồn trang trải nhu cầu tăng vốn kinh doanh trên cơ sở kết quả kinh doanh kỳ kế hoạch.
Nguồn trang trải nhu cầu vốn tăng thêm gồm 2 phần: trước hết là nguồn lợi nhuận để lại của năm kế hoạch, sau nữa là nguồn huy động từ bên ngoài.
Phương pháp lập bảng cân đối kế toán mẫu
Khi đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, người ta thường dùng hệ thống các chỉ tiêu tài chính, và luôn mong muốn hệ thống chỉ tiêu tài chính này được hoàn thiện. Do vậy, để dự báo nhu cầu vốn và tài sản cho kỳ kế hoạch, người ta xây dựng hoặc dựa vào một hệ thống chỉ tiêu tài chính được coi là chuẩn và dùng nó để ước lượng nhu cầu vốn cần phải có tương ứng với một mức doanh thu nhất định.
Phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong thực tế, đặc biệt là doanh nghiệp mới được thành lập. Các chỉ tiêu tài chính đặc trưng được sử dụng ở đây có thể là các tỷ số trung bình của ngành hoặc của doanh nghiệp cùng loại (doanh nghiệp này cùng tuổi, cùng quy mô, trong cùng một vùng địa lý, thị trường có thể so sánh được), hoặc là tự xây dựng.
Căn cứ vào các chỉ tiêu tài chính trung bình của ngành, hoặc của doanh nghiệp điển hình trong cùng ngành, căn cứ vào kết quả dự báo về doanh thu dự kiến, nhà quản trị tài chính sẽ tính toán và xác định được các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán như: Tổng tài sản, Tài sản ngắn hạn, Tài sản dài hạn, Nợ phải thu, Hàng tồn kho, Vốn bằng tiền, Tổng nguồn vốn, Nợ phải trả, Nợ ngắn hạn, Nợ dài hạn, Vốn chủ sở hữu…Như vậy, kết quả của việc dự báo là xây dựng được một bảng cân đối kế toán mẫu với số liệu dự kiến cho một doanh nghiệp phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Bảng cân đối kế toán mẫu cho biết doanh nghiệp muốn đạt doanh thu dự kiến và các tỷ số tài chính đặc trưng thì cần phải có lượng vốn bao nhiêu, được hình thành từ các nguồn nào và đầu tư vào các loại tài sản gì.
Cần chú ý rằng, cùng một hệ số tài chính nhưng doanh thu khác nhau sẽ dẫn đến bảng cân đối kế toán mẫu khác nhau. Do đó có thể lập ra nhiều bảng cân đối kế toán mẫu để dự báo nhu cầu tài chính theo những mức doanh thu khác nhau.
Lưu ý, để áp dụng phương pháp này, bạn phải biết rõ ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (được đo lường bằng mức doanh thu dự kiến hàng năm). Kết quả dự báo theo phương pháp này được thể hiện trên bảng cân đối kế toán mẫu.
Phương pháp dự báo dựa vào chu kỳ vận động của vốn
Đối với nhu cầu vốn lưu động, doanh nghiệp có thể dựa vào chu kỳ vận động của vốn lưu động để xác định nhu cầu tài trợ vốn lưu động. Thời gian vận động của vốn lưu động càng dài thì lượng vốn lưu động mà doanh nghiệp phải tài trợ càng nhiều để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thường xuyên. Nhu cầu vốn lưu động có thể được xác định bằng 2 cách sau đây:
Cách 1: Xác định gián tiếp thông qua vòng quay của vốn lưu động của kỳ trước hoặc của trung bình ngành.
Cách 2: Xác định trực tiếp thông qua thời gian luân chuyển của vốn lưu động qua 2 bước:
- Xác định số ngày luân chuyển của vốn lưu động
- Xác định nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp
Dự báo nhu cầu vốn tiền mặt
Trong nền kinh tế thị trường, vốn bằng tiền là một loại tài sản linh động nhất, dễ dàng dùng nó để thoả mãn mọi nhu cầu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vốn bằng tiền còn là tiền đề để có các yếu tố khác nhau của quá trình sản xuất (nhân công, thiết bị, nguyên vật liệu). Nếu tài sản bằng tiền giảm đi có nghĩa là tính chủ động về tài chính trong việc mở rộng quy mô, chớp lấy cơ hội đầu tư bị giảm sút, khả năng đáp ứng nghĩa vụ thanh toán bị hạn chế. Nhưng do thời điểm thu tiền và thời điểm chi tiêu bằng tiền không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau, cho nên trong thực tế thường xảy ra thời điểm này thừa vốn bằng tiền mà còn thời điểm khác lại thiếu vốn bằng tiền. Vì vậy phải xác định nhu cầu vốn bằng tiền và chỉ rõ thời gian vốn bằng tiền cần được tài trợ.
Dự báo nhu cầu vốn bằng tiền là loại kế hoạch tác nghiệp. Người ta có thể lập kế hoạch tác nghiệp cho tuần, kỳ, tháng, quý hoặc cho năm.
Để đảm bảo thuận tiện trong điều hành và nhận biết nguồn gốc của dòng tiền, người ta thường chia thành 3 bộ phận cấu thành dòng tiền vào, dòng tiền ra của một doanh nghiệp, đó là: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư, Dòng tiền từ hoạt động tài chính. Sau đó, người ta dự báo nhu cầu qua các bước sau:
Bước 1: Xác định dòng tiền vào của doanh nghiệp. Dựa trên cơ sở các dự báo về doanh thu bán hàng, dự kiến huy động vốn bằng tiền (đi vay nợ, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), căn cứ vào quy luật phát sinh dòng tiền trong quá khứ và các chính sách bán chịu của doanh nghiệp để dự kiến dòng tiền vào của doanh nghiệp. Cần chú ý đến sự khác nhau của doanh thu và thu tiền.
Bước 2: Xác định dòng tiền ra của doanh nghiệp. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch chi phí, các chính sách tín dụng thương mại của nhà cung cấp đối với doanh nghiệp, các chính sách của nhà nước như chính sách thuế…để xác định dòng tiền chi phát sinh trong kỳ. Chú ý đến sự khác nhau của chi phí và chi tiền.
Bước 3: Xác định dòng tiền thuần trong kỳ: Đó là chênh lệch giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra của doanh nghiệp phát sinh trong cùng một kỳ.
Bước 4: Xác định số dư tiền cuối kỳ: Lấy số dư đầu kỳ cộng với dòng tiền thuần trong kỳ.
Bước 5: Xác định số tiền thừa (thiếu): Căn cứ vào số tiền mặt tối thiểu cần thiết, có thể xác định được số tiền thừa hoặc thiếu ở trong kỳ.
Căn cứ vào số tiền thừa thiếu, nhà quản lý sẽ đưa ra biện pháp sử dụng số tiền thừa để tránh lãng phí. Hoặc tìm cách huy động để đảm bảo tiền cho hoạt động của doanh nghiệp.
Học quản lý tài chính doanh nghiệp ở đâu ?
Để có thể có được những kiến thức tốt nhất về tài chính doanh nghiệp và các phương pháp dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Bạn có thể tham gia khóa quản lý tài chính doanh nghiệp tại Học viện Doanh nhân Vân Nguyên Edubiz. Với những khóa học tài chính ngắn hạn, không mất quá nhiều thời gian chủ doanh nghiệp sẽ có một cái nhìn tổng quan hơn về “sức khỏe tài chính doanh nghiệp”, qua đó biết cách tổ chức các công tác về vấn đề quản trị tài chính.
Với nội dung bao trùm hầu hết các khía cạnh quan trọng của công tác đánh giá, cân đối tài chính nhưng được trình bày một cách cô đọng nhất, ưu tiên phần thực hành và thảo luận các tình huống thực tế phát sinh, chương trình giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các nhà quản trị đang mong muốn cập nhật, bổ sung, hệ thống hóa kiến thức quản lý tài chính của mình. Thêm vào đó, chương trình cũng thiết lập môi trường tối ưu để học viên có thể trao đổi kinh nghiệm và giải quyết những vướng mắc thực tiễn mà doanh nghiệp đang gặp phải.