Hoàn thuế và những điều cần biết

Hoàn thuế là việc người nộp thuế được Nhà nước trả lại khoản thuế đã nộp thừa. Để được hoàn thuế, người nộp thuế cần thuộc diện được hoàn và phải làm đề nghị hoàn thuế.

Các trường hợp được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 33, Thông tư 156/2013 quy định, thuế thu nhập doanh nghiệp được coi là nộp thừa khi:

  1. Người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp (đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế) trong thời hạn 10 năm, tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
  2. Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quyết toán năm, nên doanh nghiệp chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế.

và thỏa mãn điều kiện:

  • Nếu quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo.
  • Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa sau khi thực hiện bù trừ theo quy định trên mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp.

Nếu người nộp thuế vừa có tiền nợ thuế, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp, tiền thuế phát sinh, tiền phạt. Thì người nộp thuế phải ghi rõ trên chứng từ nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo thứ tự thanh toán các khoản thuế nợ là: tiền thuế nợ; tiền thuế truy thu; tiền chậm nộp; tiền thuế phát sinh; tiền phạt.

Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước.

Các trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)

Theo hướng dẫn tại Thông tư 130/2016/TT-BTC, sửa đổi bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC. Các trường hợp được hoàn VAT bao gồm:

Các cơ sở kinh doanh hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động

Có số VAT lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên, đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp VAT theo phương pháp khấu trừ, thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn VAT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm, loại trừ:

  • Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.
  • Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đảm bảo duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
  • Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
  • Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/07/2016.
  • Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.

Các cơ sở kinh doanh đang hoạt động và thuộc đối tượng nộp VAT theo phương pháp khấu trừ

  • Đối với dự án đầu tư cùng tỉnh/thành phố đang trong giai đoạn đầu tư: thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư và kết chuyển VAT đầu vào của dự án đầu tư, để bù trừ với việc kê khai VAT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Số VAT được kết chuyển của dự án tối đa bằng số VAT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh. Sau khi bù trừ, nếu số VAT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn VAT cho dự án đầu tư, trường hợp dưới 300 triệu đồng thì được kết chuyển vào số VAT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo.
  • Đối với dự án đầu tư khác tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi đóng trụ sở chính: Dự án phải đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế.

Quy định này không áp dụng với dự án xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê mà không hình thành tài sản cố định.

Cơ sở chỉ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Các cơ sở này có số VAT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn VAT theo tháng/quý (tùy thuộc vào thời hạn nộp thuế); trường hợp trong tháng/quý số VAT đầu vào chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng/quý tiếp theo.

Cơ sở kinh doanh vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ bán trong nước

Các cơ sở này phải hạch toán riêng số VAT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Nếu trong trường hợp không hạch toán riêng được thì số VAT đầu vào này được xác định theo tỷ lệ doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai VAT (tính từ kỳ khai thuế ngay sau kỳ hoàn thuế liền trước, đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại).

Các cơ sở kinh doanh chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động

Đối với cơ sở kinh doanh nộp VAT theo phương pháp khấu trừ, thuế được hoàn là số VAT nộp thừa hoặc số VAT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Đối với cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động nhưng lại chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản mà chưa phát sinh VAT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Cơ sở kinh doanh phải có nghĩa vụ thông báo với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp về tình trạng giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định. Trường hợp có phát sinh bán tài sản chịu VAT thì không phải điều chỉnh lại số VAT đầu vào tương ứng của tài sản bán ra.

Không giải quyết hoàn thuế với số VAT chưa được hoàn trong trường hợp cơ sở kinh doanh sau khi làm đầy đủ thủ tục giải thể, phá sản. Số VAT đã được hoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản và quản lý thuế.

Các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo

Đối với trường hợp này, hoàn lại số VAT đã dùng để mua hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam nhằm sử dụng cho chương trình, dự án.

Các trường hợp được hoàn thuế xuất nhập khẩu

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và hướng dẫn tại nghị định 134/2016/NĐ-CP, các trường hợp được hoàn thuế xuất nhập khẩu bao gồm:

Hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập

Người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu, nhưng hàng hóa xuất khẩu đi (gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thông qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế), nhưng không giao được cho người nhận, mà phải nhập khẩu trở lại Việt Nam thì được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất

Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, nhưng hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau phải tái xuất thì được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm có:

  • Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. Việc tái xuất phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được ủy quyền bởi người nhập khẩu ban đầu, ủy thác xuất khẩu.
  • Hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thông qua dịch vụ vận chuyển đã nộp thuế, nhưng không giao được cho người nhận hàng hóa, phải tái xuất.
  • Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế sau đó bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo quy định.
  • Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất ra nước ngoài.

Kết luận

Hoàn thuế giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính. Để thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục liên quan đến hoàn thuế, doanh nghiệp cần lưu ý các điểm quan trọng để tránh phát sinh các vấn đề trong quá trình thực hiện.



    Yêu cầu gửi lịch học