Lớp bồi dưỡng “Các vấn đề pháp lý mới về hợp đồng trong cách mạng công nghiệp 4.0”

Trong quá trình mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư, việc phát sinh các tranh chấp trong thương mại quốc tế có nguy cơ diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện nay đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật kinh doanh bảo hiểm… Tuy nhiên, Bộ luật dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung về hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng có mục đích kinh doanh hay hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những kiến thức quan trọng về pháp luật hợp đồng theo quy định mới nhất, giảm thiểu rủi ro, kinh doanh an toàn và đạt hiệu quả, giải quyết vấn đề xung quanh kỹ năng việc đàm phán và hạn chế rủi ro phát sinh từ hợp đồng kinh tế hiện nay.

Ngày 03/08/2019, tại phòng 2B, tầng 2, nhà B, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, số 1 Liễu Giai, Công ty TNHH Học viện Doanh nhân Vân Nguyên Edubiz đã tổ chức lớp bồi dưỡng “Các vấn đề pháp lý mới về hợp đồng trong cách mạng công nghiệp 4.0” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chương trình được tổ chức dưới sự hỗ trợ kinh phí của ban quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, chương trình 585 – Bộ tư pháp.

Khóa học có sự tham gia của:

  • PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội
  • Ông Nguyễn Minh Hoàng – Chuyên gia tư vấn và giải quyết tranh chấp hợp đồng cho doanh nghiệp. Cán bộ pháp lý chương trình 585 – Bộ tư pháp
  • Bà Đào Bích Sinh – Giám đốc Học viện Doanh nhân Vân Nguyên Edubiz

Cùng hơn 100 học viên là các lãnh đạo doanh nghiệp, các giám đốc chức năng, các trưởng, phó phòng ban và các cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp.

Tại lớp bồi dưỡng, các học viên được Giảng viên PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh hướng dẫn với các nội dung cụ thể như: Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng tới pháp luật về hợp đồng trong kinh doanh; Một số vấn đề pháp lý mới về hợp đồng trong kinh doanh đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng kinh doanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Các loại tranh chấp hợp đồng kinh doanh thường gặp trong thời kỳ hội nhập và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng hiệu quả.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh

Tại buổi học các học viên cũng được nghe PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh chia sẻ những tình huống thường gặp trong quá trình thực hiện và hạn chế rủi ro phát sinh từ hợp đồng kinh tế và với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm những kinh nghiệm phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết các rủi ro trong hoạt động kinh doanh hiện nay nhất là trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ rất mạnh mẽ. Tại buổi học, rất nhiều đại biểu đại diện các doanh nghiệp đã gửi đến các giảng viên những câu hỏi, những tình huống vướng mắc thực tế các doanh nghiệp đang mắc phải và đã được phân tích, trả lời các tình huống thấu đáo đã giúp doanh nghiệp nắm rõ và áp dụng hiệu quả sau khi học.

Chương trình bồi dưỡng kiến thức “Các vấn đề pháp lý mới về hợp đồng trong cách mạng công nghiệp 4.0” đã giúp các đại biểu tiếp thu được những kiến thức về pháp luật kinh doanh phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn cũng như cho bản thân các cán bộ pháp chế, các nhà quản lý doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu cần thiết của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã giúp cho các doanh nghiệp nắm vững hơn những quy định cần thiết trong quá trình kinh doanh, tạo cho doanh nghiệp thói quen và sự quan tâm hơn đến việc tiếp cận thông tin pháp luật, tuân thủ pháp luật, để phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay.

Chương trình kết thúc thành công tốt đẹp với sự đánh giá cao của học viên về giảng viên, tài liệu cũng như công tác tổ chức và nội dung các chuyên đề. Qua đó cũng có thể nhìn nhận được tổng thể công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức để nắm bắt được những nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp thu thập thông tin và tổng hợp gửi đến Ban quản lý chương trình 585 từ đó có kế hoạch xây dựng các khóa bồi dưỡng với những chuyên đề phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tiếp theo.

Một số hình ảnh của lớp bồi dưỡng: